tholeanhthu

Wednesday, January 17, 2018

Rượu của Nguyễn Cao Kỳ ( bình thơ)

Chỉnh sửa, post lần đầu từ 18.1.2018

Rượu của Nguyễn Cao Kỳ ( THƠ)

Vị thiếu tướng công an cầm chai rượu ra bàn: / "Ông Nguyễn Cao Kỳ mới về gửi tặng" /Mọi người đang vui, gật gù bảo uống
Nhưng một người bảo "Không!"
Vì sao không? Rượu cứ ngon là rượu! / Whisky Mỹ hay Vodka Nga, giờ có mặc cảm gì, / Chiến tranh lạnh qua rồi, ba mươi năm sau chống Mỹ / Đây là chén rượu thăm quê của tướng Nguyễn Cao Kỳ!
Nhưng vẫn có một người không chịu uống!
Vì sao không? Chẳng cố chấp quá ư? / Cậu là lính phòng không, chúng tớ đều cựu chiến binh cả chứ! / Cũng bom đạn, cũng Trường Sơn, cũng vào sinh ra tử, / Sống đến hôm nay, đâu phải để hận thù!
Có phải tự đáy lòng không vượt qua mặc cảm? / Không vượt qua nỗi buồn của cuộc chiến tranh xưa, / Không vượt qua chính mình, không vượt qua quá khứ, / Vết thương cũ còn đau khi gió chuyển sang mùa...
Đám đông ồn ào của chúng tôi cứ uống / Anh bạn chỉ ngồi im, cũng chẳng nói thêm gì, / Và bữa rượu bỗng dưng thành đắng đót / Chẳng phải tại vì ai, kể cả Nguyễn Cao Kỳ!
2007
BẰNG VIỆT.

RƯỢU CỦA NGUYỄN CAO KỲ và CÂU CHUYỆN CỦA TÔI.
1.
Tôi “bắt” được bài thơ RƯỢU CỦA NGUYỄN CAO KỲ trên tờ báo Tuổi trẻ ra ngày 4.7.2008, với những cảm nhận đầu tiên ở bài thơ này là có nhiều điều mới mẻ. Có thể vì ảnh chụp Nguyễn Cao Kỳ năm 1971 rọi đen trắng phóng khổ lớn trong có ông anh thứ hai của tôi bên bãi biển Vũng Tàu (*), vẫn nằm trên tủ từ hôm anh em tôi dọn về nhà trong này. Ông tướng không quân nổi tiếng hung hăng nhất, đã có một thời ngang tàng, từng đòi cầm lái máy bay bay ra ném bom miền Bắc…ngày nào. Song do đang ở thời điểm tôi phải chuẩn bị hành trang cho chuyến đi xa nhà đầu tiên : ra Hà Nội. Theo lớp Lý luận phê bình văn chương do Hội Nhà văn VN tổ chức. Vé tàu lấy trước những ba ngày, và lịch rời ga Sài gòn là tối 5.7.2008. Nên, thú thật tôi đã không có bất cứ một động thái cần thiết nào với bài thơ trên, tỉ như chép lại hay cầm theo trang báo … lên tàu.
2. 

Cuộc hành trình lần này, trong tôi có những dự định khá lạ : tìm xem hình ảnh chiến tranh xưa trên dọc dài đất nước.Tất nhiên là tôi đã không thể nhìn thấy gì dù chỉ là những hố bom hay vết đạn trên tường nhà, như đã từng thấy trong những chuyến đi quanh quẩn Sài gòn của khoảng mươi mười lăm năm trước. Hải, người bạn ngồi cùng dãy ghế trên tàu khẳng định là tôi sẽ chẳng thể thấy được gì nữa, cái hình ảnh còn lại của dấu tích cuộc chiến tranh. Vì hai năm một chuyến, bạn ấy lại hành phương Nam, Hà Nội đáp tàu vào TP Hồ Chí Minh, rồi giong xe xuống tận Cần Thơ thăm cha. Tàu chạy đến đâu, Hải lại nói về miền đất, những danh thắng, di tích lịch sử trên đó. Rất đáng tiếc cho tôi, chặng ngang dòng Bến Hải, tàu qua cầu Hiền Lương lại rơi vào đêm tối. Tôi không ngủ, nhưng anh bạn Hải lại say giấc nồng! Tất nhiên tôi không thể… cũng như đã không ghi chép cụ thể những gì Hải nói, nhưng có một câu chuyện nhỏ của gia đình để kể cùng anh. Đó là chuyến đi thăm đất bắc của bà thiếm Sáu. Số là chú Sáu tôi trốn quân dịch, bị bắt đi làm lao công đào binh, giấy báo mất tích trên miền đất Quảng trị năm 1968. Trong tâm tưởng, có cả những niềm tin khuất lấp nọ khác : rất có thể ông chú tôi đã vượt thoát sang với hàng ngũ cách mạng !. Nhưng sau 1975 nhiều năm, thông tin về người chú này vẫn mù tăm, thì không chỉ thiếm tôi, mà hết thảy mọi người thân thiết tin rằng chú đã chết. Thế nên, khi xe đi ngang vùng đất Quảng Trị, bà thiếm tôi đã gặp ông chú tôi. Tất nhiên là cuộc gặp trong mơ mộng. Thiếm bảo “gặp thì ông ấy chỉ cười và hỏi : sao không giữ nhà mà đi ra tận đây?”. Đúng là lâu nay thiếm cũng không mấy khi rời xa nhà, cho đến trước chuyến đi thăm thú miền Bắc năm 2005 này.Thế nên thiếm chợt hoảng hồn, và rồi bà đổ bệnh. Cái thứ tâm bệnh ấy quật ngã thiếm tôi, người từng một tay làm ruộng chăm vườn, một tay chiên tàu hũ, làm bánh chuối bán chợ ngày rằm… một thân một mình nuôi bốn con khôn lớn. Thiếm không thể tự mình bước đi nổi trong gần suốt hai mươi ngày trời thăm thú, viếng cảnh. Nghe đâu đoàn ra đến cả Vịnh Hạ Long. Còn hôm viếng lăng Bác Hồ, mọi người kể đơn vị bảo vệ lăng đã phải khiêng bà bằng cáng. Tất nhiên, đến những nơi khác thì thiếm tôi là người tình nguyện ngồi lại, trông xe … Cả đoàn đi, vốn là người trong họ, bà con của nhau nên rất lo lắng về chuyện đổ bệnh ly kỳ của bà, những ngày ở Hà Nội đã đưa vào bệnh viện, nhưng thuốc men vẫn không khỏi. Chỉ khi xe quay đầu đi về, đêm vượt qua vùng đất ông chú tôi chết, thiếm tự nhiên hết bệnh đau, tự mình lên xuống được xe. Điều ấy thì cả đoàn tham quan đi chung chuyến xe 25 chỗ ngồi thảy đều kinh ngạc.

Cùng năm Mậu Thân 68 chú Sáu tôi có giấy báo mất tích đó, ba tôi bị trọng thương khi dẫn một cánh quân thuộc phân khu 6, đánh tung thâm trong ruột Sài gòn, miệt Chợ Thiếc. Ngay ngày mồng ba tết. Ông được tổ chức bố trí nằm lại, chữa trị trong bệnh viện Xanh Pôn, nay là Bệnh viện Mắt TP Hồ chí Minh do thế hợp pháp của hoạt động nằm vùng lâu nay.
3.
Bạn văn chương Phong Điệp đón khi tôi vừa xuống ga Hà Nội. Về nơi trọ học chuyến này là khu KTX trường Đại học Văn Hóa, ở đê La Thành. Tôi được bạn Vương, K10 khoa Viết văn và Lý luận phê bình văn học đưa đến Trung tâm sách Đông Tây. Và tôi đọc tập thơ mới của Bằng Việt, trong có bài thơ RƯỢU CỦA NGUYỄN CAO KỲ. Đây cũng chính là nơi đã ra mắt tập thơ Nheo mắt nhìn thế giới, tổ chức trước ngày tôi đáp tàu đi học (2.7.2008), mà báo Tuổi trẻ đã đưa tin.

Tôi trở lại với tấm hình đen trắng ở trên. Đấy là một lần, anh Hai tôi khi ấy phụ trách Tổng Đoàn học sinh Sài gòn tranh thủ ông Phó Tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ trong một chuyến đi trại hè quãng năm 1971, do ông Kỳ hỗ trợ nhằm tranh thủ những phiếu bầu cho liên danh Thiệu Kỳ từ giới trẻ . Và cũng Tướng Kỳ, vào thời điểm năm sau đó đã “mượn” cánh học sinh sinh viên để phá cuộc bầu cử độc diễn có một không hai của TổngThống Nguyễn Văn Thiệu. Ông Kỳ đã nhường cả văn phòng riêng ở đường Tú Xương cho lực lượng SV làm tổng hành dinh chiến dịch, cấp lựu đạn MK3 (*) để ném các phòng bầu phiếu… Đấy là tất cả những gì người viết bài này được biết về Tướng Kỳ, trước khi “bắt” được bài thơ trên của Bằng Việt. Ông Kỳ “chạy” khỏi đất nước trước ngày 30 tháng 4 lịch sử, sống và định cư tại Mỹ. Và trở về Việt Nam từ 2004. (Ông Nguyễn Cao Kỳ đã qua đời vào rạng sáng ngày thứ bảy, 23/7/2011 tại Malaysia, thọ 80 tuổi).
3+1.
Chai rượu ông Nguyễn Cao Kỳ gởi tặng ông thiếu tướng Công an Hà Nội, đã là duyên cớ cho nhà thơ chúng ta có được bài thơ hay. Bài thơ day vào lòng người đọc nỗi ray rứt của buồn đau vì cuộc chiến tranh qua, và chút ưu tư về mối quan hệ mới cho những ngày sẽ tới. Câu hỏi uống ? không uống ? Vì sao không? Chẳng cố chấp quá ư? / Có phải tự đáy lòng không vượt qua mặc cảm? mà tác giả để ngỏ. Và phải chăng không ai là người có lỗi trong chuyện này? Ông Kỳ, người tặng rượu. Vị thiếu tướng chủ nhà. Cả những người dự tiệc. Và riêng một người không uống được rượu thăm quê của Nguyễn Cao Kỳ.
Không hiểu sao, tôi tin người đã không uống rượu của Nguyễn Cao Kỳ … trong tiệc đó là một người có ít nhiều liên hệ với thơ. Yêu thơ hay có làm/viết được thơ. Dân thơ vốn dĩ rất khó …chịu trong tâm thế riêng có của giới mình với những ứng xử khu biệt giữa cõi đời này. Và tôi, cá nhân tôi thì không chịu vị tướng chủ nhà. Giá như ông hiểu đúng tâm tính những người bạn của mình, khi mang chai rượu ra mời khách … Rượu thế nào, của ai thì chỉ là rượu thôi mà !
(3giờ, ngày 28 .7. 2008, bài đã lên trang phongdiep.net- Web đã đóng lâu rồi. Chỉnh sửa suốt nhiều lượt từ tháng 1.2016 đến ngày này 18.1.2018).
Lê Anh ThU.
-------------------- Chú thích của người viết, mới bổ sung -----------------
(*) Lựu đạn MK3 có tính năng nổ lớn nhưng không gây sát thương cho người.

0 Comments:

Post a Comment

<< Home