tholeanhthu

Saturday, November 11, 2017

CÂU CHUYỆN THƠ VĂN XUÔI ( 3 ).



Chuyện ra Hà Nội "dội” về Sài gòn…

Bài viết về thể lọai “Thơ văn xuôi một vài cảm nghĩ”, đã xong ( bài này viết quãng năm 2006 ngha. Xem phần trích bên dưới phần này). Không tính phần thơ đính kèm thì cũng gần ba trang A 4. Tôi có gởi một vài nơi, đăng Web thotre.com nhưng chưa thấy phản hồi tích cực hơn. Hôm ra dự học Trại viết bồi dưỡng về Lý luận văn chương tại Hà Nội, tháng 7&8 năm 2008, tôi dự định hoàn thiện nó để nộp làm bài cuối khóa. Khi trao đổi cùng bạn đồng niên, bác Phạm Quang Ái, công tác ngành Giáo dục Hà Tĩnh, anh khuyên nên đọc thêm cuốn tuyển về thơ văn xuôi …

Tôi đồng tình. Quá đúng! Tôi chỉ mới đạt đến/với công việc viết cảm nhận- chút xíu hay bên ngoài của phê bình -… và trước nay, viết gì tôi cũng chỉ tra cứu chủ yếu bằng cách tìm kiếm tư liệu trên mạng, search trên Google. Nay có người hứa sẽ đưa ra thêm tư liệu tổng hợp về thể lọai thơ văn xuôi, cần phải đọc là hợp l‎í quá rồi. Tôi chờ mất nửa tháng, do anh về , rồi bận việc mãi …trong đó. Chừng anh cầm ra thì đúng lúc tôi không còn hào hứng với bài cho lớp học. Dù thế tôi cũng đọc chọn từ hơn 600 trang sách, rồi photo một ít trang… cầm về Sài Gòn. Ít tư liệu này, cộng một vài tập thơ cũ không thể nào chạy tìm mua được … photo mang về và gần hai tháng ăn học mà tôi đã tiêu tốn cho chuyến đi tới gần mười triệu đồng, rõ là một cú đầu tư đáng giá !

Không ngờ, tư liệu Bác Ái nghiền ngẫm kỹ lại có chuyện lớn. “Đụng” tới thi sĩ Xuân Diệu. Ông này mất đã lâu rồi. Ngại là … nói ra mất lòng đến hàng giáo sư, tiến sĩ khác nữa kia chứ. Chuyện lớn đến nỗi cân nhắc mãi mấy tháng trời, chạy tầm thêm sách (mượn thôi, không mua mần chi hén) thư viện báo Tuổi trẻ nữa..., nay tôi mới bắt đầu khai phá nó.
Bạn thông cảm vì những giá trị phát hiện của số tư liệu Bác Ái này mà tôi dông dài kéo rê mấy kỳ … bài viết này. Trích “Thơ Văn xuôi, một vài cảm nghĩ…” AT tôi có nói trên, tôi giữ nguyên ko chỉnh sửa gì để thấy suy nghĩ của mình giai thời đó nó đã được đến như thế nào.

“Đầu tiên, cần khẳng định cùng nhau : Thơ văn xuôi không phải và không chỉ là thơ được trình bày như văn xuôi. Khiếm khuyết của cách hiểu này còn thấy trên một vài bài thơ đăng báo. Theo cảm nghĩ của riêng tôi, thơ văn xuôi là lối thơ có những câu văn xuôi ( lời ăn tiếng nói, từ cửa miệng; câu hỏi đáp; văn thuật, kể … ) Đặc thù một bài thơ văn xuôi là ( một hay nhiều ) câu có độ ngắn dài quá khác biệt nhau; thường thấy hơn cả là lọai câu vượt khổ… gây khó trong trình bày tác phẩm thơ ( theo truyền thống ).
Xét mặt thể lọai, thơ văn xuôi là thơ tự do, cận nhánh không vần. So với lối thơ truyền thống thơ văn xuôi có hơi thơ mạnh mẽ, ý thơ cuồn cuộn …Có ý kiến cho rằng thơ văn xuôi là lối thơ lai tạp giữa thơ và văn xuôi. Tính chất câu văn xuôi dấn đẩy thơ văn xuôi gần hiện thực, sát sườn cuộc sống; đổi lại chất lãng mạn, bay bổng của thơ văn xuôi có yếu; cảm xúc thơ cũng vì thế mà có phần kém sâu sắc; thêm vần điệu không nhiều chú trọng gây khó thuộc. Mất đi khả năng truyền miệng, thơ văn xuôi xếp hạng phụ thuộc văn bản nặng. Vì yếu điểm trên, thơ văn xuôi hoặc chỉ gọn trong bàn tay, dài khỏang ba bốn đọan, ước một hai trăm chữ để còn có thể thuộc, nhớ, đọc giới thiệu được hoặc không thế thì cứ làm thành trường ca.
Thơ văn xuôi thế giới có tuổi hàng ba thế kỹ, còn bài thơ văn xuôi đầu tiên của VN được công nhận xuất hiện cùng trào thơ mới. Thế giới phát triển nhiều đến độ từ thập niên 70 thế kỹ 20, ở Pháp,người ta đã phải mở diễn đàn tranh luận, làm rõ những khác biệt giữa thơ và văn xuôi. Còn ở VN, từ thực tế sáng tác, nghiên cứu mặt thể lọai…thơ văn xuôi rõ ràng còn ở giai đọan chập chững bước đi.
Lớp trẻ có phần dễ hòa nhập với thơ văn xuôi vì lối thơ không nhiều niêm luật nên phóng khóang, dễ có được cảm giác tự do, và đã không ít người nhầm lẫn với hình thức thơ đổi mới.( Tôi phải nhắc để lưu ý cái sự nhầm ). Trong khi chờ những công trình nghiên cứu học thuật, bản thân người thơ cần nổ lực khảo sát trực tiếp tác phẩm thơ của người khác, tự rút cho mình những đặc trưng thể lọai, mặt mạnh, điểm yếu…mà học tập, mà sáng tạo”.

--------------bài dừng ở đây, dưới là tư liệu của người viết------------

Ở VN ta ( và ở Trung Quốc), theo tôi nghĩ, “ thơ văn xuôi” có thể tìm thấy tổ tiên xa của mình trong thể phú, vì phú là một thể loại vừa là thơ, vừa là văn; nó là thơ vì nó có âm thanh theo luật bằng trắc, có vần; mặt khác nó cũng là văn, vì câu dài, có đôi khi câu khá dài như một câu văn ( trong thể cân đối, tức là tương đương với hai vế của một câu phú, thì có những trường hợp câu rất dài), nhưng câu văn này cắt thành từng mạch nhỏ, theo một nhịp điệu tiết tấu làm ưa thích cho tai nghe, và câu dưới đối với câu trên. (trang 611-612 Tuyển tập Thơ văn xuôi ( VN và nước ngoài).
* Thơ văn xuôi xuất hiện như là một thể thức lưỡng tính, có nghĩa nó phải trước hết là thơ, sau phải mang hình thức của văn xuôi, đến độ nếu nhìn bề ngoài rất khó phân biệt rằng đó là một bài thơ theo quan niệm truyền thống. Hai yếu tố này phải là một, hợp nhất, hòa quyện trong một thể thống nhất mang tính lý tưởng mới tạo ra thơ văn xuôi. Do vậy, chỉ từ yêu cầu này tôi dám quả quyết rằng quá nhiều nhà thơ của chúng ta, dù bắt chết cũng không thể hoàn thành được một bài thơ văn xuôi đúng nghĩa của nó. Điều này không thể xem thường. 

Phía sau thơ- Thơ Đỗ Trung Quân.

Cám ơn em, người chẳng bao giờ quan tâm đến những bài thơ anh viết. Người chẳng bao giờ để mắt đến những trang bản thảo anh quăng bừa bãi trên bàn, người đứng ngoài cuộc đời riêng của anh từng đêm - nhưng vẫn thức cùng anh suốt sáng...
Cám ơn em tách cà phê nóng, khi cơn buồn ngủ đe dọa bài thơ ngày mai phải sẽ bỏ nửa chừng - cám ơn em, những dĩa cơm chiên khi cái đói đã làm anh muốn rời bàn đứng dậy - cám ơn em, kẻ đứng ngoài chuyện văn chương nhưng đôi mắt cứ quầng đen sâu thẳm -vẫn thức sau lưng anh như chiếc bóng lặng thầm...


Ngày mai...có những những người con gái đọc thơ anh, có những người con gái yêu thơ anh. Những bài thơ tình nồng nàn có tất cả những người đang yêu nắm tay nhau dạo phố. Những bài thơ có nắng ban mai, có chiều lộng gió, có tất cả, trừ em người không bao giờ có mặt trong thơ anh nhưng vẫn cùng anh hàng đêm thao thức...
Cảm ơn những dĩa cơm chiên không có trong thơ. Những ly cà phê nửa khuya không có trong thơ, và những bước chân em thầm lặng. Cảm ơn chiếc ghế dựa lưng mà em không ngã xuống bao giờ, để trăm nghin câu thơ anh viết được ra đời ung dung trọn vẹn. 
Cảm ơn em, vì sao thầm lặng lấp lánh suốt đời anh...

0 Comments:

Post a Comment

<< Home