tholeanhthu

Saturday, November 11, 2017

CÂU CHUYỆN THƠ VĂN XUÔI (2).



Câu chuyện đầu năm 2008.

( AT tôi ko thay đổi mốc thời gian trong bài).
Mới đó, mà đã hơn hai mươi năm. Con gái đầu của chúng tôi, hiện đang học năm thứ ba Đại học, nhỏ tuổi hơn bài "Nói cùng trái tim" … những ba khoẻn !
Nhưng thôi, nói chi chuyện xa xôi làm vậy. Đầu năm Tí (2008) này, AT tôi kí‎ gửi bài "Nghĩ về thơ" cho trang phongdiep.net. Đón ở mục sông thơ xem mà không thấy, sau thấy bài mình đi bên mục bài viết cộng tác (sau đổi tên là nhịp cầu). Chat được với cô nàng, hỏi cho rõ chuyện thì admin Web trả lời tỉnh bơ: ai bảo anh viết kiểu ấy chi! Phong Điệp là phóng viên, biên tập viên văn xuôi Báo Văn nghệ trẻ. Nói rằng Điệp không biết gì về thể lọai thơ văn xuôi, là xằng bậy! Lỗi chỉ tại người gởi đã không rõ ràng: đây là một bài THƠ VĂN XUÔI.
Bài " Nghĩ về thơ" tôi trích kèm đây cũng có hình thức này, được cấu tứ sáu đoạn không đánh số ( con số tôi yêu thích nhất trong dãy số thập phân), kết mỗi đọan thảy đều bằng từ YÊU.
Bài thơ được khoái. Là tôi nói tôi khoái. Nếu “gán ghép” thêm thì thêm nhà văn Trần Nhã Thụy nữa. Tay này chọn đăng bài thơ trên trang thơ trẻ, báo VN TP HCM. Tôi nhớ trang này hôm đó không có bài thơ nào khác, nhưng bài Nghĩ về thơ thì không được ghi rõ là thơ. Cũng vì khoái, nên tôi đã viết bài Nghĩ về thơ 2, sau cũng in được trên Tạp chí thơ, số 5. Trời ạ ! Tôi cũng không biết vì sao nó lại rơi vào trong mục "chuyện nghề" nữa ? Cũng không phải chuyên mục hay biên tập tạp chí (chuyên) Thơ xác định rõ nó là THƠ.
Báo trong nước, không nhiều tờ đăng/in thơ văn xuôi. Các số Tạp chí thơ hồi còn khổ báo lớn, sau đó có đăng nhiều bài thơ văn xuôi. Tác giả tôi ghi nhận được là Dương Kiều Minh ( Hà Đông). Đến khi này, THƠ VĂN XUÔI chủ yếu đăng tải nhiều trên các trang mạng. Phần đông của những người viết trẻ. Còn bạn hỏi suy nghĩ của tôi khi chọn viết THƠ VĂN XUÔI, rất đơn giản: làm thơ bằng những hình thức cũ chắc mình không thể hơn được ai. Thêm việc cộng tác tin bài với báo chí lâu nay, tôi khá "nhạy" với những gì thuộc về cái mới. Tôi không chuộng những gì thuộc về khuôn khổ, quy cũ...là vì vậy chăng?

( Gần đây nổi lên ba cái vụ Hậu hiệnđại, bạn bè kháo chuyện, bảo hay hổng chừng ông là người của Hậu hiệnđại. Trời ơi. Nói “điên” thế khác nào âm mưu hãm hại tăm tiếng AT tôi. Tiếng tăm cần là bây giờ, chứ đợi khi đã “ngỏm” mới có, tôi ứ thèm . Hì hì!).

Nói thế, chứ những sáng tác trong thơ tôi cũng khá đầy đủ "chủng loại". Nắm bắt, đi đến làm chủ một thể loại, người làm thơ có thêm một công cụ cho hành trình sáng tạo của mình. Không chỉ cho mục tiêu làm mới thơ mình, mà chúng còn giúp cho thơ viết ra ngày một đa dạng, phong phú. Chúng cần thiết, chứ không hoàn toàn như ai đó vừa phát biểu "tôi không thích" thơ kiểu này. Trừ thơ Đường, các thể song thất … còn thì lục bát, thơ 4,5,6,7,8 …chữ, thơ tự do, thơ kiểu xếp hình, tôi cũng thử qua. Cả Hai ku của Nhật. Thơ có khổ chỉ ba dòng. Nói gì THƠ VĂN XUÔI nhỉ !

Xin được trích ba/sáu đoạn thơ của bài "Nghĩ về thơ":

 ( Nghĩ về thơ )
*
Thơ là nhà mà vần điệu chính nền móng ngôi nhà thơ đó. Nhà có lớn, có nhỏ, tường gạch, vách lá, mái tôn tráng kẽm hay ngói đỏ âm dương … Dáng vẻ ngôi nhà thơ ấy cao thấp, sang hèn là ở dụng câu chữ, xây dựng cấu tứ, những hình ảnh ẩn dụ, các biện pháp tu từ … Nhưng nhà mà không người ở khác gì nhà hoang. Nhà có người nhưng người không còn sống gọi đó nhà mồ. Trong ngôi nhà thơ, những con người ngụ cư không chỉ sống mà còn phải biết sống một đời sống tinh thần giàu và đẹp. Số đông bọn họ " lậm" yêu.

**
Biệt thự là nhà biệt lập, có tường rào bao quanh. Khoảnh đất rộng ngoài nhà chính dọc dài, có nhà phụ kéo ngang. Có nhà xe, nhà vườn, có sân quần, bể tắm … Vuông đất hẹp người ta cấn hầm, lấn gác. Tầng hầm để xe, làm kho, giấu rượu, tầng gác trồng kiểng chậu cộng vườn lan gió đưa.
Cửa những tòa biệt thự thơ mở ra bốn phương tám hướng, bắt nắng sớm mưa chiều, nhặt đủ tiếng chim kêu, gồm thâu ánh trăng thanh cùng tiếng lá rơi nhẹ ơi là nhẹ… Xen trong tiếng cu gù, dế gáy là tiếng cười con trẻ, lẫn với gió qua thềm, vấp chân té ngồi nơi bậc cửa, ta chộp được hương tóc người yêu.

***
Có bao nhiêu loại nhà có bấy nhiêu kiểu thơ. Thơ cổ, thơ cũ, ca trù hát ví cùng câu hò xự xang… Thể thất ngôn bát cú, lục bát, song thất lục bát đến thơ 5,6,7,8 … chữ, thơ mới, thơ tự do … Loại khuôn định cấu trúc từng bài, kiểu trật tự đến từng câu; cả điệu vần dưới trên phải gieo theo luật.
Tự do là một thể thơ có trật tự không rõ ràng nhất. Bài bao nhiêu câu, câu bao nhiêu chữ, vần lưng hay vần chân, cả không vần … thảy đều chấp nhận được !.
Dễ thế nên người người làm thơ, nhà nhà in thơ. Đã không ít người đăng đàn tung hô vạn tuế : thơ tự do mới hiện đại, thơ tự do là nhất hạng… Thơ tự do nhiều tuồng như đã được sinh sản vô tính. Cả những mưu toan, dự định: lập trình máy tính " tự động hóa" công việc nhà thơ. Nhập dữ liệu tình cảm ( gương mặt, nụ cười, ánh mắt …), cấp độ yêu đương ( nông nỗi, đằm thắm hay sâu sắc …), "click" chọn thể loại, điệu vần, phong cách…, trong tích tắc, máy sẽ cho ra đời đủ số bạn yêu cầu. Những bài thơ tình thứ dữ !.
Báo động trước mùa bão lũ : thể thơ tình máy tính yêu.

0 Comments:

Post a Comment

<< Home