tholeanhthu

Sunday, April 01, 2018

TỨ THƠ GOOGLE (1)



Tứ thơ google(1)

Một bài viết cũ, đăng blog time này vì trong CC TVX (6) có đề cập đến tứ thơ.Trong bài viết có chữ nền vàng ... là phần việc AT tôi làm khi đọc thấy, nhằm lưu ý bản thân mình. Ko có ý gì khác!
Để làm bài viết này, tôi search trên google nhiều lượt, cách quãng thời gian đôi ba tháng … trời.
Bỏ qua cách giải thích của (bạn đọc gởi) trang Yahoo, có phần hơi “tự nhiên”: Tứ trong tứ tuyệt hay thơ thất ngôn tứ tuyệt … Ngạc nhiên chưa, google đưa link đến bài tôi viết bình thơ Phan Thị Vàng Anh.
1.
Kết quả trang google thật ngạc nhiên : bài Đọc thơ Vàng Anh, tác giả là tôi ( Lê Anh Thu, tắt từ đây AT). Bài này đã đăng trên trang WEB phongdiep.net, thotre.com … và được báo Người đại biểu nhân dân đăng lại vào tháng 9.2007. Tựa bài biên tập viên báo đổi là “Tứ thơ và chùm thơ”.
( Thử với từ khóa chùm thơ, trang đầu kết quả đưa đến: vietbao.vn/Van-hoa/Gui-VB-tu-tho-va-chum-tho/.../181/ - 54k-).
Bài viết về tập thơ Gửi VB giải thưởng thơ năm 2007 của HNV Hà Nội của tác giả Phan Thị Vàng Anh. Tôi viết rõ thơ Vàng Anh hầu hết đều có tứ, rằng tôi rất muốn được dẫn chứng và bàn thêm về tứ, cách lập tứ … của chị. Khi đó, tư liệu tôi tìm hiểu về tứ thơ chủ yếu trên google hầu như chưa được rành rẽ, tất nhiên là so với thời điểm tháng 8.014 này. Đến nỗi, tôi đánhbạo/làmgan đưa ra ngay trong bài viết này một khái niệm về tứ thơ.
"Có thể hiểu tứ thơ là những câu chữ, hình ảnh, thực thể… qua "tay" người sáng tác, bằng những thủ pháp nghệ thuật, các biện pháp tu từ nâng lên thành hình tượng thơ; là ý nghĩ/nghĩa của nội dung được dồn đẩy khiến chúng trở nên lung linh, mờ ảo… nội hàm ngữ nghĩa vượt thoát thực tại, trở nên lóng lánh/bóng bẩy hơn. Hay như người ta vẫn nói, tứ thơ chính là phần hồn của thơ".
Hay như người ta vẫn nói, tứ thơ chính là phần hồn mang tính sáng tạo của thơ.( AT tôi vừa quyết định chỉnh sửa và bổ sung thêm!).
* Bài “Một lần nghe hát” có tứ thơ là sự tật nguyền (khiếm khuyết) của người hát Quốc ca không thuộc lời (nhẩm quốc ca câu nào cũng vấp) khi chứng kiến lớp học hát của trẻ câm điếc. Sự liên tưởng, đối sánh … giữa hai đối tượng ( tật nguyền&bình thường) giữa hai hành vi (hát không nghe tiếng, bằng tay& hát vấp, không thuộc lời bài ca) đã tác động mạnh đến cảm xúc người đọc thơ. Nói các bạn đừng cười, nỗi lo sợ đã khiến tôi phải hát lại quốc ca xem mình có bị quênlời/tậtnguyền không : “Đoàn quân VN đi. Sao vàng phất phới. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…”.
Các bạn xem bài thơ của tác giả Phạm văn Vũ, cây bút trẻ của tỉnh Thái Nguyên dưới đây:
Một lần được hát


Ngồi chiếu Đền Đô nghe quan họ không sao đứng dậy
Đi thuyền nghe ca Huế muốn sông Hương chảy ra sông Hồng
Dù không thuộc cũng ngâm nga đôi câu trong miệng
Còn điệu ca nào đẹp hơn thế được không

Những âm giai vốn nhiều sức mạnh
Qua tháng ngày không thể nguôi quên
Bỗng phút chốc tan trong tôi luễnh loãng
Khi xem bài hát của lớp trẻ tật nguyền

Các em hát Quốc ca bằng tay
Miệng chưa một lần cất được từ Tổ quốc
Chúng chưa hiểu thế nào gọi là Đất nước
Bàn tay vụng về huơ huơ vô thanh

Chưa bao giờ gặp bài hát vẹn tròn như thế
Vậy mà không dám nán xem
Bỏ chạy
Bước chân vô thuỷ vô chung
Nhẩm Quốc ca câu nào cũng vấp
Mới hay mình tật nguyền
Tôi sẽ còn chen ngang bằng những bài thơ, dẫn/chỉ ra tứ thơ của những bạn viết trẻ! Còn trong tư liệu mà các bạn tiếp cận google, nhất là trong bài viết (của) Nguyễn Hưng Quốc, có rất nhiều ví dụ về tứ thơ từ những bài thơ hay, còn lại với thời gian …của các thi nhân tên tuổi lớn!
2.
AT tôi bắt gặp bài trao đổi sau của hai “thày tán” thơ hải ngoại.Tất nhiên, khi search google. Đó là người thơ, vốn là bác sĩ Nguyễn Đức Tùng và cây thơ “dài hơi” thấy sợ, chủ nhân của hàng chục trường ca: Đỗ Quyên. Hai cây bút này năm 2009 và mới đây vừa được in giới thiệu tác phẩm với đồng bào quê hương.
(Trích…) Nguyễn Đức Tùng: Anh vừa chạm đến một khái niệm quan trọng thường làm tôi rất băn khoăn. Các nhà thơ Việt Nam thường nói đến “tứ thơ” (hay cấu tứ, trong câu văn của anh ở trên). Hồi nhỏ, tôi vẫn cứ yên chí rằng tứ thơ là một khái niệm phổ quát (universal), có tính toàn cầu. Sau này đọc các lý luận văn học bằng tiếng Anh, tôi mới ngẩn người ra: hình như tứ thơ là một khái niệm thuần túy Việt Nam. Một số tác giả như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Hưng Quốc… cũng tìm cách định nghĩa nó, mỗi người một kiểu. Tôi tự hỏi: tứ thơ phải chăng là một sáng tạo Việt Nam, đóng góp vào kho tàng nhân loại, hay thật ra là một khái niệm ảo?

Đỗ Quyên: Lớn chuyện rồi! E riêng câu hỏi này đủ làm bàn tròn thảo luận. Cho tôi “cướp micro” ở ba ý:
“Cấu tứ” thơ hơi khác “tứ” thơ, ở chỗ vừa là tứ thơ (ý hay hình tượng chủ đạo toàn bài thơ) vừa là “ban tổ chức” trong một bài thơ, hay quen gọi là cấu trúc, kết cấu bài thơ. Tôi còn nhớ, hồi học lớp 7-8, trong nhà có cuốn sách Cấu tứ trong thơ trữ tình, dịch từ tiếng Trung Quốc của một nhà phê bình nào đó nổi tiếng lắm (Quách Mạt Nhược cũng nên?). Cuốn sách để lại cho tôi nhiều nhớ nhung về cấu tứ thơ, về tứ thơ. (Nhưng không vì cuốn đó là của người Tàu mà tôi nghĩ cấu tứ là đặc trưng của thơ Tàu đâu!)
Tôi không nỡ nghĩ rằng cấu tứ, tứ thơ là khái niệm riêng của Trung Hoa, Việt Nam. Nếu anh đúng thì có lẽ trong lý luận thơ tiếng Anh, tứ thơ không được khu biệt như ở chúng ta chăng? Vụ này tôi không hiểu lắm. Thua!
Các tác giả anh vừa nêu và không ít người khác, bàn đến tứ thơ trong một quan niệm thẩm mỹ kinh điển, với ý niệm về làm mới thơ chưa tới Thanh Tâm Tuyền, dừng tại một số bài “hiền hiền” ở Trần Dần. Mười lăm năm nay, với một số sáng tác cách tân của Lê Đạt, Hoàng Hưng, nhất là với Đặng Đình Hưng, Dương Tường rồi tới Thơ Tân hình thức Việt, Thơ hậu hiện đại Việt (nổi đình đám là nhóm Mở Miệng, nhóm Ngựa Trời), các tiêu chí độc lập như: nhạc tính, âm điệu, vần nhịp, hình tượng, ngôn ngữ, ý tưởng, cảm xúc, chất liệu, thể loại, v.v… - không còn giá trị độc lập nữa. Nhiều khi phải có tổ hợp (tuyến tính, rồi cả phi tuyến!) của chúng để tạo tiêu chí mới, thích ứng. Nhưng cấu tứ, tứ thơ thì vẫn còn đó. Tôi tin rằng tứ thơ, cấu tứ thơ chính là dấu vết cuối cùng để nhận biết đó là “thơ” hay “không thơ” trong các bút pháp có tính hậu hiện đại. Chấp cả các loại hình như thơ cụ thể, thơ hình ảnh, thơ âm thanh, thơ điện tử của Lê Văn Tài, Đặng Thân, Huỳnh Lê Nhật Tấn… nữa đấy! Hay tính cả một loạt các nhà thơ thơ hình ảnh Nam Mỹ đang giăng hàng xếp lối trên Web Tiền Vệ! Các bạn Cái Bang Mở Miệng ơi, yên tâm đi, với những nhại nhái, collage cùng lô xích xông các nguồn các “xuộc” này nọ thì Đỗ tui vẫn túm ra ngay tứ thơ của các bạn như gái phấn hoa nhìn túi tiền khách chơi!
Đọc đoạn này thì AT “nhặt ra”dòng tên tác giả Nguyễn Hưng Quốc, ngòi bút hải ngoại khác nữa để làm động tác search tìm google. Ông Quốc ra hẳn quyển sách “ Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam” Quê Mẹ xuất  bản năm1988 tại Paris (sẽ giới thiệu bên dưới đây). Tứ thơ, qua kiến văn hai bạn viết trích đưa trên,  có thể không phải là khái niệm thấy có hay khu biệt rõ rệt của thơ Phương Tây.
* AT tôi nhấn : trong thơ hay ý thức của người làm thơ phương Tây vẫn tồn tại “tứ” thơ. Đây vốn dĩ là cái làm nên sự đa nghĩa/tầng rất tự nhiên của thơ. Chỉ là ta chưa thấy đâu họ bàn tới hay làm rõ khái niệm này. Một lần, AT thử dịch bài Word I (chữ I – nghĩa chữ là Tôi) của một tác giả người Mỹ … ( nhớ không lầm thì tác giả đoạt giải Pulitzer về thơ, trước năm 2007 nha). Mình hiểu ý của nhà thơ nhưng do độ “bóng”, đa nghĩa của từ này nên … bó tay, chịu không thể dịch được!
3.
AT đã đưa link, đặt trong bài viết “Đọc thơ Vàng Anh” giới thiệu trên, bài của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, viết về thơ và tính thơ trong ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Vì bài viết khá dài ( hẳn chiếm hơn một nửa trang báo Nhân Dân, bài đăng tải gốc trên này và được bạn đọc yêu mến gõ “sống” đưa lại trên Web), nên AT xin trích hai đoạn ý của Nguyễn Trọng Tạo (NTT) có đềcập/liênquan đến nội dung tứ thơ.
a. Trịnh Công Sơn rất nhuần nhuyễn trong các thể thơ truyền thống như lục bát, đồng dao. Ngay từ lần đầu tiên nghe ca khúc ''Ở trọ'', tôi đã phát hiện ra đấy là một bài thơ lục bát rất tài hoa. Từ cái chuyện ở trọ bình thường trong đời, anh đã đẩy liên tưởng tới cái ''cõi tạm'' chốn trần gian trong triết lý của Đạo Phật với một cách nói thoải mái, thông minh và hóm. Anh nhìn thấy con chim ở trọ trên cành cây, con cá ở trọ dưới nước, cơn gió ở trọ giữa đất trời, rồi đẩy tới một khái quát bất ngờ:

''Trăm năm ở đậu ngàn năm
Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn''

Có những liên tưởng còn bất ngờ hơn khi nói tới vẻ đẹp ở trọ trong thân thể, hay tâm hồn của người nữ:

''Môi xinh ở đậu người xinh
Đi đứng ở trọ đôi chân Thúy Kiều''

Vì thế mà có câu:

''Xin cho về trọ gần nhau
Mai kia dù có ra sao cũng đành''

Và khi con người đã ở trọ vào nhau bằng tình yêu, thì dù có phải xa rời cõi tạm, vẫn mãi mãi khăng khít cùng nhau:

''Tim em người trọ là tôi
Mai kia về chốn xa xôi cũng gần''

Nhiều bài thơ phỏng theo nhịp đồng dao (bốn chữ) khá thành công nhờ cách lập tứ và chọn từ như ''Em đi qua chiều'', ''Cũng sẽ chìm trôi'', ''Nhật Nguyệt trên cao - Ta ngồi dưới thấp, nhưng có lẽ ''Ngụ ngôn mùa đông'' mới là một bài thơ bốn chữ gây ấn tượng khó phai mờ trong lòng người đọc. Bài thơ nói về ''Một người Việt Nam - Đi ra dòng sông - Nhớ về cội nguồn... Đi lên đồi non - Nhớ về cội nguồn'' thật tươi đẹp, thật máu thịt, rồi bỗng:
''Một ngày mùa đông
Trên con đường mòn
Một chiếc xe tang
Trái mìn nổ chậm
Người chết hai lần
Thịt da nát tan...''
Người Việt ấy ''trái mìn nổ chậm'' của chiến tranh. Cái tứ thơ này không chỉ chia xẻ với cái chết đau thương tang tóc của con người mà còn có sức mạnh tố cáo chiến tranh thật sâu sắc:
''Súng từ thị thành
Súng từ ruộng làng
Nổ xé da non
Phố chợ thật buồn
Cuộn dây gai chắn
Chắc mẹ hiền lành
Rồi cũng tủi thân''
b. Lại có khi thơ thất ngôn được tổ chức theo từng khổ ba câu với những hình ảnh thật đẹp, thật lạ như: ''lòng như khăn mới thêu'', ''lòng như nắng qua đèo'', chỉ đọc một lần là bâng khuâng xao xuyến mãi:

''Mười năm xưa đứng bên bờ dậu
Đường xanh hoa muối bay rì rào
Có người lòng như khăn mới thêu
Mười năm sau áo bay đường chiều
Bàn chân trong phố xa lạ nhiều
Có người lòng như nắng qua đèo''

Các thi ảnh vừa tươi mới, vừa lạ lùng, cứ nối tiếp nhau hiện lên trong thơ Trịnh Công Sơn để đẩy tứ thơ đến tận cùng bất ngờ: ''Có một dòng sông đã qua đời''. Tại sao dòng sông lại qua đời? Phải chăng, đấy chính là dòng sông biểu tượng cho tình yêu đã cạn!”.
Trong đoạn a. qua bài hát “Ở trọ”,  chúng ta nắm rõ ý người viết (NTT) để hiểu thêm về tứ thơ: đó là lối nói thơ, những hình ảnh cùng sự liên tưởng được nâng dần lên đạt tính khái quát cao hơn … Ở bài “Ngụ ngôn mùa đông” thể thơ bốn chữ thì cách xác định tứ của anh NT Tạo có phần không chuẩn khi dừng ở “trái mìn nỗ chậm”. Tứ thơ ở đây hay của bài này đúng là “người chết hai lần” cơ! Sự bất ngờ gây cảm xúc mạnh với người đọc: bởi không ai chết hai lần như TCS “nói”. Giá trị tốcáo/kếttội chiến tranh (hình ảnh thịt da nát tan liền kề đó …) nhờ thế mà mạnh hơn lên. Ở đoạn trích b. NTT khẳng định và chỉ ra cách xây dựng tứ thơ của TCS từ thi ảnh mới, lạ và liên tiếp nhau …để đưa đến kết thúc bất ngờ ( với người đọc) nhằm đạt hiệu quả tốt nhất về mặt cảm xúc.
Nếu tinh ý, hẳn người đọc nhận ra khái niệm tứ thơ đã được AT hình thành … từ chủ yếu "đọc" những nội dung trích dẫn trong bài viết trên.
Lê Anh Thu.
+ Theo Wikipedian: Giải Pulitzer là một giải thưởng của Mỹ, trao cho nhiều lĩnh vực, trong đó quan trọng hơn cả là về báo chí  văn học. Đặc biệt về báo chí, Pulitzer được xem như một trong những giải danh giá nhất. “Joseph Pulitzer, chủ bút báo New York World đề nghị giải này trong di chúc của ông viết năm 1904. Khi đó ông có đề ra 13 giải: 4 chobáo chí, 4 cho văn học, 4 cho sân khấu và 1 cho giáo dục. Từ năm 1917, giải được trao vào tháng 4 hàng năm bởi hiệu trưởng trường Đại học Columbia. Một phong bì khoảng 10.000 đô la được tặng kèm theo giải thưởng. Hiện nay, giải Pulitzer có tới 21 nội dung: một số thể loại phóng sự, biên tập, biếm họa, nhiếp ảnh, tiểu thuyết, tiểu sử, sân khấu, thơ  âm nhạc.

0 Comments:

Post a Comment

<< Home