tholeanhthu

Monday, January 22, 2018

Lỗ nhỏ rồi đắm con thuyền to ...


Lỗ nhỏ rồi đắm con thuyền to ...
Thời sự lại "dậy sóng" với chuyện đạo thơ. Thật đáng tiếc cho những người làm công việc viết lách, sáng tạo ... Luật vốn chặt chẽ, song trong trường hợp này chỉ với yêu cầu trích dẫn hay ... nói rõ việc "mượn ý dụng câu" rõ ràng sẽ tránh được tội to : Đạo văn. Đúng là lỗ nhỏ đánh đắm được thuyền to ...
Bài viết từ 2015, post tường FACEBOOK năm 2015 rồi; nay chỉnh sửa đưa lại ... chia sẻ cho những công dân FACE đang rất vô tư ... đạo câu chữ hay nói họ đang trên một con thuyền bị thủng mà ko hay biết!
THƠ, TÁC QUYỀN, ĐẠO và LẰN RANH SÁNG TẠO …
1.
THƠ, thuật ngữ xưa cổ nhất gọi chung tất cả các loại hình nghệ thuật bao gồm cả truyện văn xuôi, kịch diễn (thời Aristotle, 384-322 trước Công nguyên)… Thơ đặt để trong bài này là thơ tiếng Việt, có từ khi người Việt sở hữu con chữ Latinh ( gần 300 năm chẵn).
TÁC QUYỀN, là quyền tác giả. Nói ngay, thế giới có Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật. VN tham gia công ước này năm 2004 và luật sở hữu trí tuệ ban hành từ 2009 bảo hộ quyền tác giả trọn đời, cộng thêm 50 năm sau khi tác giả mất ( người thừa kế thụ hưởng).
ĐẠO văn (theo Wiki tiếng Việt) là "chiếm hữu một cách sai trái"; "ăn cắp và công bố" "ngôn ngữ, suy nghĩ, ý tưởng, hay cách diễn đạt" của người khác và xem chúng như là những gì do mình làm hay viết ra. Pháp luật Việt Nam không có khái niệm đạo văn, từ dùng trong lĩnh vực này là sao chép. Đã từng có hai vụ việc liên quan đến “đạo” hay sao chép thơ : gọi B là bài “Bạch lộ” và T là trường hợp của bài “Tổ quốc gọi tên”năm mới rồi : 2015. Và xôn xao lẫn xốn xang văn giới Sài gòn tháng một.2018 này: thơ Những ký âm ngân.
VÀ LẰN RANH SÁNG TẠO … trong việc “đạo” hay mượn ý chữ hình câu của người viết trước với việc phát triển có sáng tạo của lớp hậu bối, đời sau. Có ý kiến rằng thực trạng đã và đang lan tràn tình trạng copy hay đạo nặng nề, và lằn ranh cho việc sáng tạo là mong manh, khó phân định …
( Xem Bàn tròn, Web BBC tiếng Việt: “Nên chơi đẹp trong văn chương”. Thời điểm tháng 5.2015).
2.
THƠ “Không yêu được người thời yêu đất yêu tên” khóa 1983-1987 Khoa Ngữ văn ĐH Tổng hợp TPHCM (nay là trường ĐH XHNV TP HCM), có được những hai bài thơ đọc tại lớp, phát triển nhờ “mượn ý” từ câu thơ “Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”(bài “Tiếng hát con tàu” của nhà thơ Chế Lan Viên). Hai người viết khi ấy chỉ là SV, sau này cho thấy họ có được khả năng làm thơ. Đó là nhà thơ Lê Minh Quốc và nhà báo Ngô Thị Thu An đó.
TÁC QUYỀN, trong trường hợp nêu trên không hề bị vi phạm. Rất đơn giản, ngay dưới tựa bài thơ viết họ đều ghi rõ nguồn câu/bài thơ mà họ “mượn/lấy” ý. Ở trong trường hợp đọc thơ giờ Triết học cô NGA nói trên, trước khi đọc họ nói rõ thơ họ viết “học tập” từ câu thơ “Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương” của CHẾ LAN VIÊN.
“ Chơi” thơ kiểu này rõ ràng quá, không khó khăn gì trong việc phân định “đạo” hay không “đạo”, với mượn ý hay xài câu chữ khi ta chủ động khai báo nguồn gốc của thơ sử dụng. Đã không mất gì mà có khi còn được “sánh” vai với nhà thơ lớn, nghĩ ngon lành quá ta bà nhá!
Kể cả những ý kiến biện minh, lý giải cho hành vi không đẹp đẽ này bằng loại hình thơ phái sinh …Chỉ làm lỗi vốn nhỏ thành TỘI to hơn thôi. Ngay trích dẫn không đủ đầy hay trọn vẹn, dùng trích dẫn có đưa nguồn rõ rồi “lấp la lấp lửng” những ýkiến khác nữa; hoặc sử dụng chính một phần bài viết khác của chính mình, Google tìm kiếm cũng cho đó là vi phạm hay đạo văn/thơ. Chuyện thế này, đáng tiếc thường xuất phát từ văn giới. Cả các Facer ( người viết trên Facebook) cũng vô tư vô tình vô ý vi phạm lâu nay. Còn thì đối tượng đã đạo thơ người khác luôn lấp lửng chuyện sáng tác lâu, không còn nhớ … viết như thế nào sau khi cãi chày cãi cối … đã rõ rồi cái tình không ngay ngo ngây ngô ngây thơ … tí xịu gì.
ĐẠO, quy định ở một số quốc gia là hành vi sao chép trên 20% văn bản ( tính trên số trang/chữ). Ở VN ta, vi phạm luật là khi sao chép nội dung trọng yếu của văn bản. Không tính khối/số lượng và cũng không nói rõ thế nào là trọng yếu … Ở trường hợp B, ngoài bài “Buổi sáng” của Phan Ngọc Thường Đoan bị đạo thành “Bạch lộ” thì bài thơ Du Tử Lê dư luận lên tiếng phải chăng họ cho câu thơ đầu bài và đầu 6/7 khổ thơ đó bị “đạo” là trọng yếu! ( Câu thơ này : Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển).
VÀ LẰN RANH SÁNG TẠO … chỗ này ý kiến cho mong manh hàm ý không chỉ việc người vay mượn dù có là vô tình thì chất lượng bài viết/thơ đó thật khó mà thu/thuyết phục được tình cảm của những người trót yêu thơ Du Tử Lê, nói riêng. Họ dễ dàng cho người “đi sau” là bắt chước lắm đấy! Anh hay chị viết sau thực sự đã đi cạnh “ mép vực” của sự sáng tạo nếu bài thơ hay sản phẩm mượn ý không “đứng” được hay không thành công. Ở đây mở rộng ra với cộng đồng người đọc lớn hơn số Fan Du Tử Lê nói trên nhận định này cũng có cùng mức độ, nếu như có thể nói không quá khe khắc. Yêu cầu sáng tạo với những trường hợp “vay mượn” này, rõ ràng phải là cao nhất …
Bước phát triển hay sáng tạo không cùng thể loại kiểu như phổ nhạc cho thơ, điện ảnh hóa một tác phẩm văn học … không thuộc phạm vi bài viết này. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn ngoặc riêng đây trường hợp bài hát “Tổ quốc gọi tên mình”, vì có ý kiến cho bài thơ này không HAY mà chỉ đúng (? Một khái niệm “lạ” và hiếm thấy trong một cảm nhận thơ: thơ thế nào đúng? Và có thơ sai sao?). Rằng nó chỉ được biết nhiều là nhờ sự sáng tạo của người nhạc sĩ – chắp cánh bay cho thơ. Xin nói rõ ràng: chính cấu trúc của bài thơ đã là mầm mống giúp người sáng tác nhạc xây dựng cái “thần” bài hát : những lớp sóng cuộn trào … và đấy là khoản sáng tạo của người nhạc sĩ khi nắm bắt được “tứ” độc của bài/ nhà thơ.
(Link nghe bài này với tiếng hát Tạ Minh Tâm :
https://www.nhaccuatui.com/bai…/to-quoc-goi-ten-minh-ta-minhtam.yr5LEV2EgC.html).
3.
THƠ, vốn là sản vật của tâm hồn. Lối nói giàu hình ảnh, ngôn ngữ hay chữ dùng luôn đắt. Thơ giàu vần điệu và nhạc tính, hỗ trợ “bộ nhớ” con người sâu và tốt hơn. Đó là ta so với thể loại văn xuôi. Còn với ông tổ Aristote, nguồn gốc của thơ chính ra là sự/tài mô phỏng ( tức bắt chước) của loài người và rồi sản phẩm được làm ra này mang lại thích thú cho người sáng tạo ra chúng. Tác phẩm nghệ thuật đã hình thành và lưu truyền bao đời nay trong nhận định đầu tiên của con người luôn là như thế.
TÁC QUYỀN một tác phẩm, theo ông Phan Vũ Tuấn, chánh Văn phòng Hội Sở hữu Trí tuệ TPHCM được xác lập và bảo hộ ngay khi tác giả đặt bút xuống viết ra tác phẩm đó, hay gõ trên phím và lưu thành công trong ổ cứng máy tính. Cách hiểu này trong thực tế có không ít người vẫn còn nhầm lẫn là phải qua bước in ấn hay công bố rộng rãi. Tôi nhấn mạnh cái sự nhầm bấy lâu nay. Việc đăng ký bản quyền sẽ giúp tác giả đó không phải chứng minh khi có tranh chấp xảy ra mà nhiệm vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về người còn lại. Vụ T, hiểu đúng thì nghĩa vụ phải chứng minh là của anh Ngô Xuân Phúc, người có ý kiến tác quyền thơ “ Tổ quốc gọi tên” với nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai. Tất nhiên, khi và chỉ khi nội vụ phải nhờ đến Tòa phán xử.
ĐẠO, một chữ dùng Anh Thu ( tắt AT) tôi cho là rất hay! Và sáng tạo vô cùng. Cũng mang một nghĩa là ăn/đánh cắp, song đạo để chỉ hành động không đẹp, không xứng đáng của giới/người trí thức. Nó còn hàm chứa ý nghĩa của đạo đức, một từ đối trọng lại hành vi thiếu trong sáng và lành mạnh nói trên.
VÀ LẰN RANH SÁNG TẠO, nhà văn Thuận khẳng định, đây là ranh giới rất rõ ràng, "không có gì nhập nhờ".
Tác giả của “Made in Vietnam”, tiểu thuyết đầu tay xuất bản năm 2003 khẳng định : "Không một tác phẩm nghệ thuật nào xuất phát từ số 0 cả, trong mọi ngành. Ở năm 2015, tất nhiên bạn có bị ảnh hưởng, nhưng nó chỉ dừng lại ở ảnh hưởng thôi." ( Bàn tròn Web BBC, dẫn trên).
Cá nhân tôi cùng tin suy nghĩ và phát biểu như Thuận là quá đủ đầy!
4.
THƠ Anh Thu tôi, thời điểm một hai năm cuối thế kỹ trước là bước tiếp cận và học tập W. Whitman cùng với thơ Chế Lan Viên. Sau khoảng ít bài viết theo lối thơ “Lá cỏ” của Whitman, mà nhận thức cá nhân là kiểu thơ không kết hay kết để mở nhiều thú vị, tôi bắt tay làm loạt thơ từ việc đọc di cảo thơ Chế Lan viên. Chỉ có trong tay tập ba Di cảo thơ của Chế, tôi nhặt chữ, chọn ý … rồi làm thơ. Nghĩ suy đầu tiên … thì đây cũng chỉ là quá trình học tập làm thơ với nhà thơ đã thành danh. Rồi khi gởi thơ in báo, tôi đặt trên đầu loạt thơ này : “ Đọc di cảo thơ Chế Lan viên, bài X tôi viết Y”. (*1 Tôi giới thiệu hai bài Trò chơi, từ đọc bài CHƠI của Chế Lan Viên bên dưới, phụ lục bài viết này … vì nó chưa từng in/post lần nào bởi chút “góc cạnh” của nó).
TÁC QUYỀN loạt thơ CHẾ ấy là của tôi. Tờ báo sử dụng bài, trả nhuận bút … là đã công nhận điều này. Thêm nữa dư vị mùi mẻ hai thế kỹ qua đủ đầy và đến trước thời điểm ra bài viết này vẫn chưa thấy một ai kiện thưa rằng AT tôi “đạo thơ” của Chế Lan Viên nhá.
ĐẠO trong trường hợp B, có ý kiến của một nhà thơ cho rằng có thể P.H. Thư cũng đã thử … “làm” với bài “Buổi sáng” của P.N.T Đoan ( cũng gần hay tương tự như AT tôi khi học tập với thơ Chế). Rồi thì “quên” khi mang thơ công bố! Vị nhà thơ này, chắc “xẩu mình” vì sau đó khi P.H Thư có thư giải bày với công luận rằng bài thơ đã từng được viết/sửa và trước khi có tên “Bạch lộ” nó đã là Độc ẩm trước bình minh, rồi còn là Độc ẩm cuối thu. Bài thơ khi in sách có lời đề tặng một bạn thơ, song một nhà thơ khác cũng được cô này tặng …một bài được làm kiểu “phái sinh” của nó.
VÀ LẰN RANH SÁNG TẠO ở ngay trường hợp nói trên đây “mất tăm tích”. Thật khó để hình dung được một người làm thơ lại có thể biến hóa cảm xúc và con chữ mình như thế. Sự toàn bích hay vẹn nguyên con chữ trong một bài thơ là vô cùng thiêng liêng với người sáng tác hay của một quá trình sáng tạo. Kiểu làm của P.H Thư, quá rõ với lối cư xử của người “chơi” thơ hơn là của người làm thơ..
--------------- Chú thích của người viết -------------------
TRÒ CHƠI
( Đọc di cảo thơ Chế Lan Viên, bài Chơi … tôi viết Trò chơi.)
Các nhà chính trị chơi lắm trò thô bỉ
Dân đi bầu xong nhưng cử chẳng đúng người
Chiến tranh nát tan liền kéo màn cấm vận.
Bọn nhà binh chơi trò ồn ào nhất
Xưa một hai đều bước nay ngồi phòng ấn nút
Bom rơi trên cao, hoả tiễn réo từ xa.
Phe hồi giáo kêu gào Thánh chiến
Những cảm tử mang chết chóc theo người
Máu Thánh thần rơi lẫn xương óc cận dân.
Nhóm du kích Abu Sayyaf lấy bắt cóc làm trò chơi
Mỗi con tin định tính bằng đô
Chúng mặc cả, đấu giá trên mạng sống con người.
Đám tình báo giỏi mỗi trò nghe lén
Thiết bị thả tít ngoài không gian
Nghe lọt chuyện trên giường tình nhân.

Trò chơi mỗi nhà thơ rất ư thanh lịch
Mua thơ đọc hắn cúi đầu cảm ơn
Còn như bỏ ế, hắn mang thơ gói tặng người mua hàng.
-------------
Bài Trò chơi (2) tôi nhẩm xong ngay trên xe.. Thời sự về Xổ số Long An.
Giơ cao hai ngón tay
Của bàn tay trái
Tôi hỏi : số mấy ?
Và ngay khi người trả lời
Tôi đưa luôn năm ngón rộng rãi
Xoè mở bàn tay phải.
Hai mới nãy giờ cộng thành bảy.
- Gì kỳ vậy ?
- Trò chơi mới.
Từ các em nhỏ
Quay số
Xổ lồng.

Wednesday, January 17, 2018

Rượu của Nguyễn Cao Kỳ ( bình thơ)

Chỉnh sửa, post lần đầu từ 18.1.2018

Rượu của Nguyễn Cao Kỳ ( THƠ)

Vị thiếu tướng công an cầm chai rượu ra bàn: / "Ông Nguyễn Cao Kỳ mới về gửi tặng" /Mọi người đang vui, gật gù bảo uống
Nhưng một người bảo "Không!"
Vì sao không? Rượu cứ ngon là rượu! / Whisky Mỹ hay Vodka Nga, giờ có mặc cảm gì, / Chiến tranh lạnh qua rồi, ba mươi năm sau chống Mỹ / Đây là chén rượu thăm quê của tướng Nguyễn Cao Kỳ!
Nhưng vẫn có một người không chịu uống!
Vì sao không? Chẳng cố chấp quá ư? / Cậu là lính phòng không, chúng tớ đều cựu chiến binh cả chứ! / Cũng bom đạn, cũng Trường Sơn, cũng vào sinh ra tử, / Sống đến hôm nay, đâu phải để hận thù!
Có phải tự đáy lòng không vượt qua mặc cảm? / Không vượt qua nỗi buồn của cuộc chiến tranh xưa, / Không vượt qua chính mình, không vượt qua quá khứ, / Vết thương cũ còn đau khi gió chuyển sang mùa...
Đám đông ồn ào của chúng tôi cứ uống / Anh bạn chỉ ngồi im, cũng chẳng nói thêm gì, / Và bữa rượu bỗng dưng thành đắng đót / Chẳng phải tại vì ai, kể cả Nguyễn Cao Kỳ!
2007
BẰNG VIỆT.

RƯỢU CỦA NGUYỄN CAO KỲ và CÂU CHUYỆN CỦA TÔI.
1.
Tôi “bắt” được bài thơ RƯỢU CỦA NGUYỄN CAO KỲ trên tờ báo Tuổi trẻ ra ngày 4.7.2008, với những cảm nhận đầu tiên ở bài thơ này là có nhiều điều mới mẻ. Có thể vì ảnh chụp Nguyễn Cao Kỳ năm 1971 rọi đen trắng phóng khổ lớn trong có ông anh thứ hai của tôi bên bãi biển Vũng Tàu (*), vẫn nằm trên tủ từ hôm anh em tôi dọn về nhà trong này. Ông tướng không quân nổi tiếng hung hăng nhất, đã có một thời ngang tàng, từng đòi cầm lái máy bay bay ra ném bom miền Bắc…ngày nào. Song do đang ở thời điểm tôi phải chuẩn bị hành trang cho chuyến đi xa nhà đầu tiên : ra Hà Nội. Theo lớp Lý luận phê bình văn chương do Hội Nhà văn VN tổ chức. Vé tàu lấy trước những ba ngày, và lịch rời ga Sài gòn là tối 5.7.2008. Nên, thú thật tôi đã không có bất cứ một động thái cần thiết nào với bài thơ trên, tỉ như chép lại hay cầm theo trang báo … lên tàu.
2. 

Cuộc hành trình lần này, trong tôi có những dự định khá lạ : tìm xem hình ảnh chiến tranh xưa trên dọc dài đất nước.Tất nhiên là tôi đã không thể nhìn thấy gì dù chỉ là những hố bom hay vết đạn trên tường nhà, như đã từng thấy trong những chuyến đi quanh quẩn Sài gòn của khoảng mươi mười lăm năm trước. Hải, người bạn ngồi cùng dãy ghế trên tàu khẳng định là tôi sẽ chẳng thể thấy được gì nữa, cái hình ảnh còn lại của dấu tích cuộc chiến tranh. Vì hai năm một chuyến, bạn ấy lại hành phương Nam, Hà Nội đáp tàu vào TP Hồ Chí Minh, rồi giong xe xuống tận Cần Thơ thăm cha. Tàu chạy đến đâu, Hải lại nói về miền đất, những danh thắng, di tích lịch sử trên đó. Rất đáng tiếc cho tôi, chặng ngang dòng Bến Hải, tàu qua cầu Hiền Lương lại rơi vào đêm tối. Tôi không ngủ, nhưng anh bạn Hải lại say giấc nồng! Tất nhiên tôi không thể… cũng như đã không ghi chép cụ thể những gì Hải nói, nhưng có một câu chuyện nhỏ của gia đình để kể cùng anh. Đó là chuyến đi thăm đất bắc của bà thiếm Sáu. Số là chú Sáu tôi trốn quân dịch, bị bắt đi làm lao công đào binh, giấy báo mất tích trên miền đất Quảng trị năm 1968. Trong tâm tưởng, có cả những niềm tin khuất lấp nọ khác : rất có thể ông chú tôi đã vượt thoát sang với hàng ngũ cách mạng !. Nhưng sau 1975 nhiều năm, thông tin về người chú này vẫn mù tăm, thì không chỉ thiếm tôi, mà hết thảy mọi người thân thiết tin rằng chú đã chết. Thế nên, khi xe đi ngang vùng đất Quảng Trị, bà thiếm tôi đã gặp ông chú tôi. Tất nhiên là cuộc gặp trong mơ mộng. Thiếm bảo “gặp thì ông ấy chỉ cười và hỏi : sao không giữ nhà mà đi ra tận đây?”. Đúng là lâu nay thiếm cũng không mấy khi rời xa nhà, cho đến trước chuyến đi thăm thú miền Bắc năm 2005 này.Thế nên thiếm chợt hoảng hồn, và rồi bà đổ bệnh. Cái thứ tâm bệnh ấy quật ngã thiếm tôi, người từng một tay làm ruộng chăm vườn, một tay chiên tàu hũ, làm bánh chuối bán chợ ngày rằm… một thân một mình nuôi bốn con khôn lớn. Thiếm không thể tự mình bước đi nổi trong gần suốt hai mươi ngày trời thăm thú, viếng cảnh. Nghe đâu đoàn ra đến cả Vịnh Hạ Long. Còn hôm viếng lăng Bác Hồ, mọi người kể đơn vị bảo vệ lăng đã phải khiêng bà bằng cáng. Tất nhiên, đến những nơi khác thì thiếm tôi là người tình nguyện ngồi lại, trông xe … Cả đoàn đi, vốn là người trong họ, bà con của nhau nên rất lo lắng về chuyện đổ bệnh ly kỳ của bà, những ngày ở Hà Nội đã đưa vào bệnh viện, nhưng thuốc men vẫn không khỏi. Chỉ khi xe quay đầu đi về, đêm vượt qua vùng đất ông chú tôi chết, thiếm tự nhiên hết bệnh đau, tự mình lên xuống được xe. Điều ấy thì cả đoàn tham quan đi chung chuyến xe 25 chỗ ngồi thảy đều kinh ngạc.

Cùng năm Mậu Thân 68 chú Sáu tôi có giấy báo mất tích đó, ba tôi bị trọng thương khi dẫn một cánh quân thuộc phân khu 6, đánh tung thâm trong ruột Sài gòn, miệt Chợ Thiếc. Ngay ngày mồng ba tết. Ông được tổ chức bố trí nằm lại, chữa trị trong bệnh viện Xanh Pôn, nay là Bệnh viện Mắt TP Hồ chí Minh do thế hợp pháp của hoạt động nằm vùng lâu nay.
3.
Bạn văn chương Phong Điệp đón khi tôi vừa xuống ga Hà Nội. Về nơi trọ học chuyến này là khu KTX trường Đại học Văn Hóa, ở đê La Thành. Tôi được bạn Vương, K10 khoa Viết văn và Lý luận phê bình văn học đưa đến Trung tâm sách Đông Tây. Và tôi đọc tập thơ mới của Bằng Việt, trong có bài thơ RƯỢU CỦA NGUYỄN CAO KỲ. Đây cũng chính là nơi đã ra mắt tập thơ Nheo mắt nhìn thế giới, tổ chức trước ngày tôi đáp tàu đi học (2.7.2008), mà báo Tuổi trẻ đã đưa tin.

Tôi trở lại với tấm hình đen trắng ở trên. Đấy là một lần, anh Hai tôi khi ấy phụ trách Tổng Đoàn học sinh Sài gòn tranh thủ ông Phó Tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ trong một chuyến đi trại hè quãng năm 1971, do ông Kỳ hỗ trợ nhằm tranh thủ những phiếu bầu cho liên danh Thiệu Kỳ từ giới trẻ . Và cũng Tướng Kỳ, vào thời điểm năm sau đó đã “mượn” cánh học sinh sinh viên để phá cuộc bầu cử độc diễn có một không hai của TổngThống Nguyễn Văn Thiệu. Ông Kỳ đã nhường cả văn phòng riêng ở đường Tú Xương cho lực lượng SV làm tổng hành dinh chiến dịch, cấp lựu đạn MK3 (*) để ném các phòng bầu phiếu… Đấy là tất cả những gì người viết bài này được biết về Tướng Kỳ, trước khi “bắt” được bài thơ trên của Bằng Việt. Ông Kỳ “chạy” khỏi đất nước trước ngày 30 tháng 4 lịch sử, sống và định cư tại Mỹ. Và trở về Việt Nam từ 2004. (Ông Nguyễn Cao Kỳ đã qua đời vào rạng sáng ngày thứ bảy, 23/7/2011 tại Malaysia, thọ 80 tuổi).
3+1.
Chai rượu ông Nguyễn Cao Kỳ gởi tặng ông thiếu tướng Công an Hà Nội, đã là duyên cớ cho nhà thơ chúng ta có được bài thơ hay. Bài thơ day vào lòng người đọc nỗi ray rứt của buồn đau vì cuộc chiến tranh qua, và chút ưu tư về mối quan hệ mới cho những ngày sẽ tới. Câu hỏi uống ? không uống ? Vì sao không? Chẳng cố chấp quá ư? / Có phải tự đáy lòng không vượt qua mặc cảm? mà tác giả để ngỏ. Và phải chăng không ai là người có lỗi trong chuyện này? Ông Kỳ, người tặng rượu. Vị thiếu tướng chủ nhà. Cả những người dự tiệc. Và riêng một người không uống được rượu thăm quê của Nguyễn Cao Kỳ.
Không hiểu sao, tôi tin người đã không uống rượu của Nguyễn Cao Kỳ … trong tiệc đó là một người có ít nhiều liên hệ với thơ. Yêu thơ hay có làm/viết được thơ. Dân thơ vốn dĩ rất khó …chịu trong tâm thế riêng có của giới mình với những ứng xử khu biệt giữa cõi đời này. Và tôi, cá nhân tôi thì không chịu vị tướng chủ nhà. Giá như ông hiểu đúng tâm tính những người bạn của mình, khi mang chai rượu ra mời khách … Rượu thế nào, của ai thì chỉ là rượu thôi mà !
(3giờ, ngày 28 .7. 2008, bài đã lên trang phongdiep.net- Web đã đóng lâu rồi. Chỉnh sửa suốt nhiều lượt từ tháng 1.2016 đến ngày này 18.1.2018).
Lê Anh ThU.
-------------------- Chú thích của người viết, mới bổ sung -----------------
(*) Lựu đạn MK3 có tính năng nổ lớn nhưng không gây sát thương cho người.