tholeanhthu

Wednesday, December 20, 2006

ket tập thơ BCCS

Góc nhìn khác :

Có một khí chất khác người làm nên giọng điệu thơ riêng lóng lánh vàng.



Cát Du tên thật Phan Kim Dung, sinh năm 1960, hiện công tác tại Hải quan tỉnh Bình Dương, giải nhất thơ giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ 2000-2005. Đã xuất bản tập thơ Cảm, là chủ đề, đốI tượng chính của Bàn tròn văn chương lần thứ 4, do Ban công tác trẻ Hội nhà văn VN tổ chức vào ngày 23 tháng 12 năm 2006 tạI Khu du lịch Đại Nam, Thủ Dầu Một, Bình Dương.
Trong lần đầu tôi đọc thơ chị, thoáng qua, nói thật cũng chưa thấy gì nổi bật, ngoại trừ một vài con chữ mơi mới. (Bài đã viết I love you – dịch và đọc ngang là Tôi cảm Du. đăng trên Web Văn nghệ Sông Cửu Long) Lần đọc này, tôi đặt mục đích cho mình: đâu là sự chọn lựa của Ban tổ chức Bàn tròn văn chương lần 4 ? Có sự quen biết, hay tự thân trang thơ Cát Du lóng lánh. Có những ánh kim, thật không, nhưng chúng là những sắc màu gì? …

Thơ Cát Du là những thảng hoặc, những không đâu, những bơ thờ, thoáng chốc, thi thoảng khói sương khó nắm bắt mà day dứt lòng… ( giới thiệu của nhà thơ Trần Mạnh Hảo) : Theo tôi thì thơ chị có cái thi thoảng khói sương nhưng không khó nắm bắt, như bài Xuân thì dưới đây :

Dậy đi nào
mai nụ ơi
Các bạn em đã váy xòe vàng chóe
Đang hây hẩy đợi tình
Mà em còn ngái ngủ
Sao chẳng chịu hé mi
Không sợ lỡ mất cái xuân thì
Thoáng qua ?

Dung dị quá đi chứ. Hay bài Thít chặt :

Em thít chặt vào anh
Tưởng không gì lèn qua cho được
Vậy mà
Có một hạt cát đã lèn giữa chúng mình
Hạt cát lớn thành viên gạch
Viên gạch hoá thành bức tường
Bức tường hoá thành Vạn lý
Cứu em !
Em không cách gì bíu anh cho được
Em rơi
Ngã phịch xuống chân tường.

Nhỏ như vết nứt chân tường mà Bao giờ em cũng nhận ra/…những hỏng hóc của đờI mình … Cũng bình thường như bao ngườI phụ nữ khác khi bị tình phụ : kêu than,cam chịu: Em như con diều bị đứt dây/ Chúi nhủi giữa tầng trời/ Không biết tựa vào đâu/ Để ngã ( Bài Con diều )
Và trong nhiều bài thơ khác :Ừ thì em có đợi đâu; Chỉ cần có ai đó để cười; Không quen; Nhớ không nòn nõn …

Thật may, Cát Du vượt trộI hơn khí chất những ngườI nữ thường tình khác. Điều này giúp cô bứt lên vượt mặt để chen lên tốp có màu (huy chương), dù chưa hẳn ánh vàng : này nhé trong bài Đi hoang

Đêm qua có một cuộc chia ly/ Cuộc chia ly vĩnh hằng của hai trái tim không thuộc về nhau nữa/ Trái tim lớn lạnh lùng quay quắt/ Trái tim nhỏ se thắt buồn đau/ Nàng quay lưng đi về phía không có ánh mặt trời/ Vứt tình vào tối/ Đêm đông /… Không cam chịu mà Cát Du cất giọng thẳng thừng, thách thức :


Có chú dế rủ rê đi hoang” Ừ, thì đi !”
Gió đông gì cũng mặc
Nàng buông !




Noel đang đến trong cái lạnh của trời đất, của tự nhiên. Vòng sân bóng kề nhà, bọc bởi một vòng những cây cau xanh tóc xỏa dài mỗi sáng tôi chạy lúc này vắng hẳn bóng người. Họ trốn tìm trong chăn, trong vòng tay người tình ấm hỉnh. Noel của Du : Trưa buồn nhắn tin hỏi, tối nay mình đi đâu anh ? Anh không nghỉ, anh phải trực …

Em một trời cô đơn
Chúa trên cao có biết
Dưới đất có ngàn người
Trên trời có ngàn sao
Mà con sao chỉ một ?

Nếu chỉ thế thôi, tôi chẳng nói :

Cho con chú chăn cừu
Để thức cùng thâu đêm
Quên đi cái lạnh này
Quên cả người con thương.

Trong người đàn ông tôi gọi là chồng : mà mai này tôi không còn gọi là chồng nữa,. người đàn ông vỡ tan, tôi nhặt, ghép lại thật khít/ không giống, tuyệt nhiên không giống, mặt nứt như chiếc bình men rạn, mắt không có khói tình, môi không hương yêu, bàn tay thõng thượt .Ôi chồng ! Không ! Tiếng thơ Du đã không chấp nhận,cô đã không thể cam chịu :

Em sẽ đổ khuôn chàng
Để có một mẫu mới toanh

Tuy thế, không như một ít giọng thơ nữ xuất hiện thời gian này, Cát Du không làm dáng bằng những phá phách, tung hê .. ta đã thấy. Chị có giọng điệu riêng dịu nhẹ hơn, cái giọng điệu-nói vậy mà không phải vậy- của một người thơ còn, theo tôi, nặng tình lắm thì phảI ! Đây chính là những sắc màu làm nên tiếng thơ Cát Du, mà như trên tôi đã viết, chúng chưa phải ánh vàng. Nhưng với một ngườI thơ mới xuất hiện, có được giọng điệu riêng để mà lóng lánh sáng cũng quý … ngang bằng vàng rồi ! Mừng thay.


21.12.2006.
Lê Anh Thu.

Bài ca cuộc sống (tt)


46.

- Thắng thua trong quá trình làm tập BCCS ?
- - Hỏi gì mà ghê ? Mở được rộng mất sâu. Gần hiện thực tất xa chất thơ. Điệu vần nhạt, tự nhiên hẳn đậm, thậm chí đã có ý phê dung tục… Hề hề. Version 1.2, rồi ta tiếp tục làm version 2.1. Nói thật lòng tôi không mong thắng ngay trận đầu. Có thể xem hai bài Với thơ dưới đây như kết của tập thơ này. Tôi nhấn : chỉ như kết của tập thơ này.


Tôi như bao người chơi mới
Vừa kịp lao vào hàng, đứng cuối
Bước chân chạy gấp
Nhịp tim dồn đập

Gã trai không được trẻ
Đầu tuốt trần chân đạp đất
Khối tâm hồn ôm trằn trước ngực.

Giữa sân khấu
Nàng thơ cùng một ít người múa, hát
Họ diễn cả kịch, hay và đẹp.

Tôi lẫn trong số đông, ngồi riêng góc khuất
Một mình lặng lẽ
Cười rồi khóc.

Nàng đã một lần nhìn tôi, có lẽ
Nàng đã trông rõ tôi ngồi, có thể
Gốc đa già, Cuội đã nghìn triệu năm rồi, hơn thế
Vàng khối ngực mình, khản cổ, khô giọng
Rao không màng bán mà dành riêng tặng …

Đẹp những đêm rằm trăng ngời sáng.

47.

Tôi đã phải cố ghê lắm để giữ quân bình tôi với niềm say mê nàng thơ da diết.
Được hay không tôi nào có biết.
( Có thể nói tôi yêu nàng tha thiết.
Không ít lần nàng đã quay tôi chóng mặt,
đã vật té ngửa ra, đã thít chặt cổ tôi, hút chết.
Việc phải ghìm cương con ngựa thơ trong người -
đâu chỉ mình tôi làm, đâu chỉ mình tôi gặp -
thiệt là mệt !).
Giữa trăm thứ bà rằn những lo toan nọ khác.
Việc của ngày : làm công trả nợ áo cơm
Việc của đêm : làm chồng, học chơi cùng sấp nhỏ.

Thơ đến,
Chỉ khi vào giữa giấc, lúc thực lẫn hư, mờ xen cùng tỏ
Nơi chốn của vô thức, chỗ trú ẩn thiên thần.
Khoảnh khắc hồn ma, và kia góc mồ xác quỷ
Của tất cả những gì không rõ ràng bóng dáng.
Tôi góp gom, tôi túm nhặt
những bất chợt thoáng qua, hay tình cờ lượn thấy
Tôi giữ chặt, dù đấy, như chút le lói ánh ngày.
Không sắc màu, không hương mùi
Không vị ngọt bùi, cay đắng.
Tôi chuốt trau, gọt mài ... rồi dọn hàng chưng bán
Khi chỉ mươi dòng, lúc một đôi trang ...

Bạn hãy xem, hãy sờ em xem.

Em đó,
Em như con gái đang tuổi dậy thì
Có vòng eo, tướng đi cột một trăm đôi mắt.
Em như gái một con, trông không chỉ mòn, mà nếu trông nhiều
( trông mê, trông mệt ) sẽ đui hai tròng mắt.
Thế mà đời lạ kỳ không ?
Hai ngàn, mười ngàn, nhiều, nhiều hơn thế nữa
Trong dãy hàng dài dằng dặc- những con người đi đến với em-
tôi là người xếp cuối
( Cái vị thế có vàng ròng trăm lượng, muôn đời tôi không đánh đổi ).
Không đi dầu phất cờ, thà là mình đứng cuối
Để không lẫn trong hàng, không lộn với một ai !

Rồi âm thầm như kia chàng Cuội
Vò võ đợi tình dưới gốc đa ...

Tuesday, December 12, 2006

Đọc thơ Vàng Anh+ thơ Biển ...

Góc nhìn khác

Đọc thơ Vàng Anh.

1.Biết Vàng Anh ra tập thơ mới qua thông tin mặt báo cùng một ít bài viết giới thiệu trên các mạng văn chương. Bận công việc của một quán chủ, dù cố công tìm kiếm không ít lần, nhưng mãi đến ngày 7.12, Thu tôi mới cầm được trên tay tập thơ Gửi VB của Phan Thị Vàng Anh. Đọc ngay trong ngày đầu tiên có … ba lượt, với tâm thế của người sáng tác cùng yêu thơ, Thu tôi mạo muội có bài viết này làm “ tất tật” những gì cảm nhận, phát hiện … từ tập thơ của Vàng Anh.

2. Vàng Anh là cây thơ lặng lẽ- hầu như không in báo ( trong Nam), không quăng mạng (trong, ngoài nước). Những năm gần đây, Vàng Anh chỉ ra một tập tản văn: Nhân trường hợp chị thỏ bông, ký bút danh Thảo Hảo, tập hợp các bài báo cũa một chuyên mục mà chị đảm trách. Tuy thế, đọc tập thơ, ta thấy ý thức với công việc làm thơ của chị vẫn “sáng” (1); lối nói thơ rõ; hình ảnh, tứ thơ mới (2); tình thơ thắm thiết …

2+1. 21 bài, 50 trang in, tập thơ thuộc loại mỏng, nhẹ bổng. Đề cập tới công việc làm thơ có hai bài : Hành trình của cây và tập làm thơ. Ý kiến về đề tài này, Vàng Anh chưa vượt qua “ bóng” của thi sĩ cha, có lẽ không sai. Thơ Chế Lan Viên về mảng này có hẳn một tập, Di cảo thơ tập III, hơn thế ở VA, độ tuổi chín của nghề, những cái thuộc về kinh nghiệm … và trong tập hợp Gửi VB này chị chỉ đưa in hai bài khiến sự so sánh trên khập khiễng vô cùng. Nhưng chỉ hai bài, ta nhận thấy một ý thức sáng rõ của một người thơ : Mỗi bài thơ tôi tôi giết ước mơ cây giết đến tận cùng/ thành bột giấy; thử khác với mình; rướn lên nào, cầu kỳ vào nào; tài năng hay không tài năng; những sáu cùng tám trong đống rơm bà ngoại … của một người sáng tác rất bình thường như bao người một khi đã buồn ngủ thì : nhai cái kẹo lạc dính hai hàm răng chẳng muốn mở miệng ngáp một lần.

2+2 Bài Công chức chỉ ba dòng vươt khổ tới 52 chữ, bật hình ảnh thơ mới đến không ngờ : cái công tắc đèn mình là người đầu tiên chạm đến trong ngày. Phải là người mẫn cán như thế nào để cái công tắc đèn cỏn con ấy tự nhiên mà len vào thơ.

3. Có hai cách phổ biến trong quá trình làm một tập thơ : theo chủ đề hoặc theo thời gian sáng tác. Tập thơ Gửi VB là tập hợp thơ trong quãng 6 năm (1) sáng tác dù tác giả có ý thức tưyển chọn theo chủ đề nhưng tiếc là không đủ rõ. Đấy là nguyên do tựa bài viết này tôi không để đọc Gửi VB mà là đọc thơ Vàng Anh. Để thấy qua tập thơ này, Vàng Anh đã để người việc ( biên tập) hiếp đáp con người thơ (in / bị, còn / ít) của mình quá thể.
Thơ Vàng Anh, như ý kiến đã phát: là những ghi chép, nhật ghi lại từ công việc, chuyến đi xa nhà …của chị. Bài thơ khởi từ những hình ảnh quan sát được, thường lạ, hoặc rất đỗi bình thường chuyển sang lối nói có thơ ( nhiều cây bút trẻ thiếu, yếu khoản này) rồi vào kết với tứ thơ rõ rệt. Bài Danh sách chuyển nhà là đặc trưng nhất: Hai cây cau, bức tranh thêu ba con voi, một đèn chùm, hai nhà tắm mà một đã lâu không thể tắm, môt đèn bàn, ba bình hoa Bát Tràng … đến lồng chim hàng xóm sáng nào cũng hót, (2) tiếng rao bánh khúc không rõ lời, tia nắng đúng chín giờ lọt qua khe cửa chạm đúng viên gạch số ba từ ngoài đếm vào từ trái đếm ra. Để ngày nào cũng thế, được ngồi đếm vào đếm ra…nỗi lòng người rời đi.





3+1 Mười bài viết năm 2001, mười một bài của quãng thời gian năm năm tiếp theo.
( Bài Trước khi đi Hội An không thấy ghi thời điểm viết nhưng dựa vào hai bài tiếp ngay sau đó một chùm thơ, có thể nó được sáng tác cùng năm 2004) Tập thơ như đã đề cập, nếu mang tựa chính là thơ Vàng Anh 2001-2006 thì nên đưa thêm một ít bài nữa. Còn nếu tác giả thật sự thích (quá) bài Gửi VB, vẫn có thể để tựa phụ này. Xin thứ lỗi vì góp ý này động chạm vào công việc chuyên môn của chị.
3+2 Không hiểu sao tôi lại có liên tưởng đến truyện ngắn Khu vườn có tiếng chim của nhà văn Tiền Giang quê tôi : chị Kim Quyên quá chừng. Cũng một lần chuyển nhà và cũng mơ chuyển theo cả khu vườn có tiếng chim lên thành phố.

4. Tứ thơ (1) là khái niệm không dễ nắm bắt được dù chúng vẫn được nêu rõ trong nhiều giáo trình, tự điển bách khoa…Có thể hiểu tứ thơ là những câu chữ, hình ảnh, thực thể… qua “tay” người sáng tác, bằng những thủ pháp nghệ thuật,các biện pháp tu từ nâng lên thành hình tượng thơ ; là ý nghĩ/ nghĩa của nội dung được dồn đẩy khiến chúng trở nên lung linh, mờ ảo … nội hàm ngữ nghĩa vượt thoát thực tại, trở nên lóng lánh hơn. Hay có thể nói tứ thơ chính là phần hồn của bài thơ.
Thơ Vàng Anh, qua tập Gửi VB (2) này hầu hết đều có tứ, rất đáng để các cây thơ trẻ lưu tâm học tập. Có lẽ cũng vì cưu mang tứ, mà số lượng thơ chị lần in này đã không thể nhiều hơn ?

4+1 Tôi đã rất muốn dẫn chứng và bàn thêm về tứ, cách lập tứ trong thơ Vàng Anh, nhưng như trên tôi đã viết, tứ thơ của chị thường nằm ở cuối bài thơ; phần nữa, lấy trích dẫn nhiều, lấy “tất tật” có thể bạn đọc không thấy cần thiết phải mua tập thơ để đọc, điều đó sẽ tổn hại tới quyền lợi tác giả cùng nhà xuất bản, đã được đề cập ngay trang 2 của tập thơ này.
Tìm kiếm với từ khóa tứ thơ trên google, không dưng thấy sợ cho không ít người viết vì sự hiểu và biết về tứ thơ. Mới thấy bể “ biết “ mênh mông và mới hiểu vì sao thơ ngày nay gần như vắng, không có tứ thơ.
4+2 Tôi bị “ám” khi đọc thấy một bài báo lập luận bài thơ Gửi VB… là kiểu chơi chữ của tác giả- VA gửi VB, gửi cho chính mình. Những tưởng đây là một phát hiện độc đáo, thú vị của người đọc. Đến khi tôi đọc Gửi VB, bài thơ mà Vàng Anh chọn tựa chung cả tập này, để rồi thấy lập luận trên lệch lạc và nặng tính suy diễn, chủ quan của ngườI đã viết và mang in báo.Mời các bạn cùng đọc với tôi :

Chúng ta là cá và nước
Cá bơi và nước trôi

Chúng ta là bánh mì và chả lụa
Bán riêng và ăn chung

Hai khổ thơ mở đầu bài thơ và hai kẻ ghét Hà Nội/ hai vốc cát Quảng Trị/ hai ly trà đá Sài gòn có thể hiểu theo kiểu hai trong một: VA gửi VB. Nhưng với: hai cái đầu tưởng lạnh như băng…thì VB phải hiểu là một cá thể thân thiết với tác giả/ sinh QuảngTrị, lớn ở Sài gòn…chứ không thể hiểu đấy là lối chơi chữ mà người viết đã nói đăng trên một tờ báo lớn..

5. Tập thơ cho chúng ta hai chùm thơ- thơ liên kế. Không như chùm ( không biết mối gắn kết gì) mà chúng ta vẫn thấy trên mặt báo, chùm thơ Viết từ chuyến đi Hội An đáng ghi nhận. Đặc biệt là bài Trước khi đi Hội An, loại bài không mấy người làm thơ ý thức viết.
Bộ ba còn lại là Để đi được xa thì …, Công chức và Về nhà ( tôi có gán ghép không ?, nhưng tác giả chẳng đã xếp liền kề ngay đầu tập thơ) là sự kết hợp khác: đi, đến nơi làm việc và trở về nhà. Tất nhiên là còn nhiều những hình thức gắn kết khác, song tôi đề cập đến vì thực tế nền thơ chúng ta không có nhiều những chùm thơ đúng nghĩa đến vậy.

6. Tôi cố ý không có kết luận nào về tập thơ này. Vì mọi thứ đều có thể thay đổi –với thời gian. Nay có thể thấy hay, nhưng mai thì không thể còn hay như trước. Hơn thế, việc thẩm định, đánh giá …thơ là việc làm cực kỳ khó ( lấy giải thưởng của Hội Nhà văn VN 2006 mảng thơ là đủ ). Cùng góc độ người sáng tác, tôi ước một đôi chỗ - trong bài Công chức chưa bật rõ : người công chức của tác giả chỉ đến cơ quan sớm thôi chứ còn ngày làm việc và quãng thời gian cuối ngày cô có là người ra về cũng sớm sủa như đầu ngày ? Một ít con chữ chưa thật chỉnh : nung ẩu ( trong Danh sách chuyển nhà ). Sản phẩm gốm không thể có sự đồng đều trong cùng một mẻ lò, không có khái niệm làm ẩu mà được; hay câu Bóng đèn cuối cùng của chung cư đã cháy ( Ngày lạnh nhất Hà Nội ) có thể bị hiểu sai khác...

Lê Anh Thu. (12.12.2006)

tập thơ Bài ca cuộc sống (tt)

45.
- Ông đã năm năm trở lại với thơ ?
- À. Ngay từ đầu tôi nổ lực đạt trăm bài họach định. Lọat Chuyện kể …, Nghĩ về thơ…Tiếp hai năm nữa mới bắt đầu gởi báo. Đăng ít bài. Đến tập này, tôi có hai thảo mươi trang Bóng đá và Biển. Tôi giới thiệu Biển vì những “đúc rút”được cho Bài ca cuộc sống.

.1
Biển không xa. Dưới chân ta con sóng đã ngàn triệu năm tuổi. Dấu tích chúng ẩn lưu trong lớp đất đá bao đời.
Biển không xa. Biển trong mắt người. Nhắm lại, ta thấy sóng bọt tung trắng xóa. Sóng xô bờ hay bờ sóng dậy ? Biển không bờ hỏi sóng biếc vì đâu ?
Biển không xa. Biển tràn sóng lòng ta. Mỗi khi ta nhớ. Một dáng liễu thướt tha. Một ánh mắt tình tứ. Tiếng chân bước đêm khuya lặng vắng …

.2
Mau ra biển. Ngõ Dần Xây gần phải 60 cây. Thêm một lượt phà. Đường quốc lộ xa
“ mắc “ ba trạm thu phí. Chuyến biển di của cư dân thành phố mình tiêu tốn số tiền không tí.
Can nước biển è ạch vác lên lầu mươi lượt. Rót đầy bồn tắm. Mở cả máy tạo sóng. Biển tôi thu nhỏ đặt trong góc nhà.
Gió nhờ máy quạt. Vị mặn biển lẫn mùi thơm xà bông hương táo. Biển góc nhà êm ả, xui ta thèm biển xa !
- Này nhảy sóng
- Này phơi nắng
- Này lâu đài cát trắng…

.3
Góc khác của nhà. Đêm thinh vắng. Một mình tôi với biển.
Biển tôi lặng phẳng.
Biển tôi sóng ngầm.
Biển tôi không bờ không bến.
Trên phương bắc. Bên phải hướng đông. Phía Tây tôi sáng ánh đèn. Tiếp dưới sóng chữ tôi dồn đuổi.
Như Cà Mau đất Mũi. Từng đêm từng đêm tôi vắt sức lực mình trước trùng khơi.
Có thể tôi chẳng bao giờ đến nơi …

.4
Tôi đi. Và cát ướt liền ngay dưới chân rồi.
Tôi lao ra biển hay biển ào vào đón tôi.
Đã mươi lần và sau này có trăm, ngàn lượt nữa, đứng trước biển lòng tôi trào dâng nỗi niềm khôn tả. Một cảm giác là lạ.. Kẻ lãng du tiếc nuối nỗi mình mãi chậm chân. Cuộc vui hôm qua chóng tàn. Ngày hội tháng trước vừa mãn…
Tôi quăng bối rối bằng bước chân chạy vội. Nước bao giờ chẳng mát lành. Biển té nước ướt rồi lòng tôi !

.5
Nhiều lần tôi tự hỏi : Biển có tự bao giờ ?
Và thơ trả lời tôi : : Xưa, biển không hề có sóng. Biển những ngày xưa chưa một lần gợn sóng …
Ghi chép trong sổ tay thơ. Nguồn sách giáo khoa sinh học 12.
Đại Thái cổ, cách nay 3.500 triệu năm, vỏ quả đất chưa ổn định. Núi lửa phun nhiều … Sự sống hình thành từ chưa có tế bào, phát triển đơn bào, rồi đa bào .. Có hai giới thực vật và động vật. Chúng sống dưới nước.
Đại Nguyên sinh, kéo dài trong hai tỉ năm sau Đại Thái cổ ghi nhận sự phân bổ đại lục và đại dương trên trái đất.
Sách Bách khoa tri thức xác định : từ 2.500 triệu năm trước,quả đất chỉ có một đại lục Pangée và một đại dương Panthalassa …

.6
Biển không xa. Gần gũi thiết tha trong lời ca : Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình…
(Nằm phía Đông Châu Á, Thái Bình dương chính phần còn lại của Panthalassa gần ba tỉ năm trước, chiếm một nửa diện tích các đại dương địa cầu.
Và đáy vực Marian nằm kề đảo Guam 11.022 mét nước, sâu nhất địa cầu ).

.7
Trước biển, tôi hỏi : Đàng sau những con sóng trai sóng gái đang sấp ngửa đuổi xô nhau là gì ? Và khơi xa mênh mông bềnh bồng rặt những thứ chi ?

Đàng sau biển
Là biển.
Đàng sau sóng
Là sóng.
Đàng sau áng mây- bầu trời
Đàng sau bầu trời- trăng và những sao.
Đàng sau trăng …
Là em.
Đàng sau làn hơi, ánh nhìn của em.
Đàng sau mù khơi, sóng tình biển êm.
Sau tất cả những đàng sau ấy
Sau của đàng sau biển
Sau của đàng sau sóng …
Là gì ?


.8 (Bài Haiku biển)

Biển là bọc ối
Nhiều nông nỗi
Cõi người.

( Haiku là lối thơ Nhật Bản, bài gọn ba dòng, trúng nhất phải là 17 âm tiết. Hình thức này không hiểu sao lại “ nhập” vào thơ tôi. Tôi hay sử dụng, đặc biệt trong những chuyến đi xa nhà. Năm một, hai bận. Từ đó, thơ khổ ba dòng ngày một nhiều và cũng chắc tay hơn. Còn vì sao không là 1 dòng, 2 dòng- có lẽ của những tài năng xuất chúng-và 4 dòng, có phần quen thuộc. Ba dòng có lẽ hợp và vừa vặn đủ cho cấu trúc mở, luận và kết. Và cũng là kiểu ghi nhật ký của chuyến đi. Thế điệu vần chúng như thế nào ? Thực tình, tôi chỉ là người bơi trong vô vàn con sóng đực cái lặn trồi không ngưng nghỉ. Chỉ biết dữ ít lành nhiều cầm chắc …).