tholeanhthu

Saturday, October 27, 2018

RA GA và lối thơ ...



RA GA VÀ LỐI THƠ …

… một khái niệm chưa thấy có trên Wiki lẫn google.

Bạn đọc chú ý AT tôi giữ “nguyên bản” bài thơ này khi post trên blog thơ, mở quãng năm 2006 ( link nà: tholeanhthu.blogspot.com). Những dấu bằng toán học, khổ thơ sau hơn khổ trước một câu … là sự cố tình làm mới thơ mình.

Đi taxi ra ga
Xe gọi bằng điện thoại
Ra ga = điện thoại.

Chuyến Sài Gòn Nha Trang
Tàu chạy giờ định trước
Nửa giờ cuộc đuổi bắt
Ra ga = nửa giờ.

Xe chạy anh lái trẻ
Còi ấn vô lăng bẻ
Đường hẹp, người với xe
Đông nghẹt ruột lửa cháy
Ra ga = lấn trái

Đường nếu không phải trái
Xe nếu không người lái
Điện thoại người không nghe
Nửa giờ không còn đủ
Sài Gòn tôi không rời
Nha Trang trời không tôi !

Mà như không cả em
Tôi đi làm gì ?
Tôi đi mà chi ?
Ra ga = em.

Hãy xem đó chỉ là cách làm mới thơ, nghiêng mặt hình thức … của một người viết trẻ buổi đầu làm thơ. Câu chuyện mà người/bài viết này đề cập : LỐI THƠ. Tìm hiểu trên Google, từ điển tiếng Việt nữa về chữ lối … thì lối là danh từ chỉ đường đi, phương hướng … AT tôi hay sử dụng nhiều chữ lối thơ trong các bài viết bàn về thơ … của mình. Chữ là của người dùng. Trong ý nghĩa này thì lối thơ AT tôi dùng chính là lối nói thơ hay lối chơi chữ trong thơ.

Mà làm sao phải xây dựng khái niệm lối thơ? Gần đây, khi nghiên cứu và làm tư liệu cho loạt bài viết bàn về thể loại thơ văn xuôi, AT tôi bắt gặp một thách thức lớn thế này. Đó là yêu cầu từ trong lý luận lẫn sáng tác thực tiễn là làm sao có thể xác định được bài nào là thơ VX (tắt của văn xuôi) và bài như thế nào … thì không phải thơ VX. Văn học thế giới, cụ thể là tại Pháp, người ta đã tranh luận hàng thập niên câu chuyện nói trên từ những năm 1970. ( Đọc bản/bài viết trên mạng do nhà thơ Hoàng Hưng trích dịch). Đã có không dưới mười bài của các nhà thơ Việt, đề cập đến thách thức phân định rạch ròi này. Song ko dễ dàng áp dụng vào thực tiễn. Thơ VX hay đấy không phải thơ rất cần một công cụ mạnh để tách bạch dễ dàng hơn. Đấy là việc của nhà nghiên cứu, người làm khoa học.

Ta trở lại với bài “Ra ga”. Bài có lối thơ – trong nghĩa chữ AT tôi dùng – lối nói và lối chơi chữ thơ khá dầy đặc. Không ai nói ra ga bằng điện thoại. Không ai nói ra ga bằng nửa giờ. Không ai nói ra ga bằng lấn trái. Hơn thế. Không ai lại nói ra ga bằng em mà nghe xuôi ( tai) được. Chỉ thấy trong thơ. Không thấy trong  văn xuôi kiểu hay lối nói này. Còn về lối chơi chữ … thì đầu bài AT đã đề cập rồi. Đó là việc dùng dấu bằng (dầu = )… trình bày trong thơ. Tôi không hề nói đây là lối thơ HAY, nhiều sáng tạo nhá.

Khái niệm lối thơ chưa thấy trong Wiki lẫn google …  Tôi không tham vọng mình sẽ làm rõ khái niệm này cho cộng đồng thơ nói chung, cho thơ VX nói riêng. Song nhận thức cá nhân tôi thì LỐI THƠ  chính là « vi thể » hay yếu tố sơ/tối giản nhất, giúp người đọc « phân loại », gọi tên … đúng chất nhất một bài thơ VX. Hay bài viết mà người ta nhầm lẫn thơ chính vì không có lối nói cùng lối chơi chữ đầy chủ ý của người thơ , cho bài thơ …
Thể thơ Văn xuôi thì vần điệu, nhạc tính, thi ảnh … nhạt chứ không đậm. Chính thế mà việc phân định thơ và không thơ trong hình thức thơ VX khốn khó vô cùng. Mở rộng sang thể loại thơ nói chung, thơ tự do … AT tôi nghĩ cũng có thể sử dụng lối thơ như trên đã nói được lắm nha.