tholeanhthu

Friday, May 15, 2020

THƯƠNG LẮM TÓC DÀI ƠI!


Ảnh: Cha con hôm chia tay chụp ở Sân bay Tân Sơn Nhất. Con trai nay cũng xong khóa học, kịp về trước time D. cấm bay giữa hai nước Sing/Việt...

 
Đọc à hiểu à nghĩ à Viết … là cây “tư duy Ý” AT tôi dùng chủ yếu lâu nay. Nói lâu, nhưng chắc chỉ rõ rệt cho quãng viết gần 5 năm nay của tay Writer-net này thôi.  Không chỉ các đề tài dùng cho bài viết lĩnh vực Chứng khoán, văn chương đăng trang mạng Facebook; mà cả đời sống, thông tin … cũng được soi chiếu cùng góc nhìn lẫn xử lý trên đây. Kỳ thực, giải cấu trúc ấy quy nạp từ đầu vào ( 2 giai đoạn đầu : đọc hiểu) hay bước tìm kiếm, phân tích các dữ liệu có được … đến ( 2 giai đoạn cuối : hiểu viết ) bằng bước tổng hợp + lượng giá,  làm thành đầu ra hay phương hướng hành động trong cuộc sống.

CÂU CHUYỆN TUẦN NÀY : Thương Lắm Tóc Dài Ơi!

Việc sau giờ làm, cuối một ngày của tôi, là một chuyến xe đi từ Q8 ra Bình Triệu và trở về. Khi không nghĩ ngợi gì thì tôi hay hát thầm. Quãng từ tháng 3 năm này, khi tiễn ông con trai nhà đi học xa thì không dưng bài “Thương lắm ...” này lại nằm đầu môi, nhẩm hát suốt 2 lượt đi về.

AT tôi nghe bài hát từ rất lâu. Trọn một chương trình Tiếng hát Ngọc Tân. Nhờ bạn bè sang lại băng Casset.Thời này “thịnh hành” chỉ có nghe máy băng Sony còn hình thì xem video thôi. Giờ có Google, tìm tơi tới link đang nghe và giới thiệu a/e Group Vinabull/ FACEBOOK cùng thưởng thức : phuquang.org với giọng ca Mỹ Hạnh. Đàn ở bài hát này hình như thuần mỗi piano. Tôi nói thế vì khả năng nghe … hay thẩm âm không “sáng/đẹp” lắm! Kỳ thực thì bài “Thương lắm …” này có trên mười ca sĩ tên tuổi ra MV, đĩa CD phát trên trên kênh Youtube …

Google còn cả kho chuyện từ những bài viết, phỏng vấn liên quan … đến nhạc sĩ, bài hát …vv.v.. Yên tâm nhá. AT tôi tìm đọc và sẽ trao đổi hầu chuyện bạn đọc theo cây tư duy Ý đã mở đầu bài viết này.

1. Câu chuyện ra đời của bài hát này :

“Thương lắm tóc dài ơi” được tôi ( Nhạc sĩ Phú Quang kể) sáng tác rất nhanh. Chuyện là năm đó con tôi đủ điều kiện đạt học bổng sang Nga du học, thế nhưng các suất học bổng thì trên Bộ lại cho mất rồi, trong đó cho mấy người đã không còn ở trong Nhạc Viện nữa. Thế là dù phía Bộ Văn hóa Nga đích thân gửi công hàm về, cháu cũng chỉ được sang đó học theo diện tự túc chi phí. Xin học bổng không được, khó khăn quá, vợ cũ mới gọi điện, kể lể và khóc như mưa, khiến cho tôi xót xa, thương vợ, thương cho thân phận người phụ nữ quá.

Nhưng cũng không làm gì được nữa.


… Cuối cùng cô ấy đã bỏ hết mọi thứ để sang Nga lo cho con ăn học. Cái nông nỗi “thân cò lặn lội”, cả đời hy sinh cho con, mà cuối cùng bị “dòng đời đục trong” lừa dối khiến cho ngôn từ cứ bần bật chảy: "Mưa vẫn giăng đầy trên triền sông chiều đông giá rét/ Em vẫn âm thầm đi về đâu để ta thương lắm/ Yếm rách còn ngăn được gió, tình em dang dở, yếm nào che/ Thương lắm tóc dài ơi, cánh chim chiều đã mỏi/ Ta hát cho em bỏng rát khúc ca buồn”. Tôi viết không nhiều nhưng cũng đủ để làm ấm lòng cô ấy mỗi khi giai điệu cất lên”.

Ông Phú Quang trả lời loạt bài phỏng vấn này còn cho người đọc chúng ta thấy nhạc sĩ là người kỹ/khó tính. Trong một bài viết, ông “phiền” ca sĩ Ngọc Tân hát sai lời. (… Xem chú thích của bài này, bên dưới ). Đến Thanh Lam, nữ hoàng DIVA còn thú nhận : "Lúc biểu diễn, cháu cứ phải liếc vào trong cánh gà xem chú có nhăn mặt không"… Thời điểm của loạt phỏng vấn này, có nguyên do là hãng đĩa D. tự ý vận động ra một chương trình 12 ca khúc của ông, với giọng ca Ngọc Tân ( chắc anh em ngta thu lại casset từ đĩa nhạc này đó, vì nghe lại trên nhaccuatui.com bài Ngọc Tân hát rất giống ngày xưa AT tôi đã từng nghe) không một lời xin phép tác giả Phú Quang. Đã thế, ngay trên bìa đĩa nhạc còn không cả tên nhạc sĩ mới bự xự “chuyện dữ” luôn!

2. Hát sai lời nhạc, chuyện “xưa lắm Thím à”.

Ai trong chúng ta không từng hát …hò nghen. Chuyện hát thầm không bàn, vì không ai nghe để bắt “giò” sai đúng hay dở gì hết. Song một khi thu chương trình băng đĩa hay trình diễn trên sân khấu có thu tiền hay bán vé …v..v thì rõ là chuyện rất khác. Tác quyền là khoản làm nên nỗi bức xúc mà Phú Quang, kề sau đó “làm to tát” lên chuyện ca sĩ hát sai lời nhạc.

Thực tế thì … việc sửa lời bài hát là chuyện “lâu nay mà Thím”. Nhiều bài được hát thay anh thành em hay ngược lại … vì bởi nhạc sĩ viết cho nữ mà người hát là nam. Phần nữa, khoảng cách địa lý xa, đa phần giới ca sĩ chỉ nghe từ đài/băng rồi “cover” lại nên mức độ sai lệch lời ca khó tránh khỏi. Chia sẻ từ một cô bạn từng học trường QG âm nhạc : cả lớp hàng chục tên chỉ có một bạn làm tốt nhất việc ký âm lại … bài nhạc nghe từ băng. Phải có một “tai” nghe cộng não bộ cực tốt mới đạt chuẩn hay 100% … Cho nên, chuyện nghe băng đĩa hát lại một bài hát luôn dễ sai lệch, không chỉ lời ca mà nhiều khi cả nhạc nữa.

Mà thôi, sự khăn khó của Phú Quang như AT tôi trình bày là do bởi bối cảnh hay câu chuyện “đạo” nhạc ra dĩa bán thu tiền mà không trao đổi hay trả tác quyền kia. Còn sai lời, WEB đã dẫn trên cũng có nhiều bài, nhiều người hát ca khúc ông … trớt quớt với lời “chính thống” tại Web Phuquang.org. Chỉ một câu/lời nhạc này là thấy sự khó cho người hát nhạc Phú Quang lắm nà: “ … mái ngói son yêu …” ( bài “Em ơi, Hà nội phố” không ít người hát “ra” mái ngói xô nghiêng đó).

3.

Vì Ông Phú Quang “nói” khá gay gắt với ca sĩ Ngọc Tân ( chuyện cũ, Ngọc Tân thì cũng đã mất rồi –T9.2004), song sẽ thật không công bằng với một chỗ Ngọc Tân đã “sửa” lời, không hề thấy ông đề cập đến: Mưa vẫn giăng đầy trên triền sông chiều đông giá rét … hát nghe thành … chiều đông giá buốt. Ở trường hợp này, chữ “buốt” đắt hay nghe hợp lý với người Việt Nam hơn rét … rõ ràng luôn.

Như trên đã đề cập, số đông người học hay tập hát nhạc là nghe từ băng đĩa … Bây giờ nhiều hơn là nhờ kênh karaoke. Ngoài chất giọng, thì số đông kênh Karaoke này “đi” chung nhịp điệu và tiết tấu của chương trình. Ít hơn là số người hát có được chuẩn mực cần thiết, cùng khả năng sử dụng một vài loại nhạc cụ để nghe luyện đúng cao độ, nhịp điệu lẫn tiết tấu của bài hát … Phần “thẩm” nhạc tốt, mới nói đến lời ca ( ca từ).

Đến phòng thu âm, in ra đĩa lại cần thêm khả năng … phối  âm phối khí. Một khâu cần hay phải có đào tạo chuyên sâu hơn. Rồi ra một sản phẩm như MV thì có sự đầu tư hay góp sức của không ít các lĩnh vực khác nữa : phim ảnh, đạo diễn, múa ..v..v…

Trở lại với bài “Thương lắm tóc dài ơi”, cá nhân tôi lại không thấy thích lắm bản phối Ngọc Tân đã dùng ( cố nhạc sĩ Quang Lý cũng hát cùng bản phối này!). Đàn mộc piano của Web Phuquang.org nghe chân thực, phần tiết tấu chậm giúp cảm xúc lắng đọng tốt hơn! Tấn Minh trong chương trình Giai điệu Phương Nam, đài TH Cần Thơ … Ca sĩ Ngô Quang Vinh ( Album “Lớn lên cùng Hà Nội”) với phong cách Acoustic (là một kiểu trình diễn âm nhạc với các nhạc cụ như guitar, trống cajon… mà không cần đến các thiết bị điện tử) nghe khá Ok.Ca sĩ Ngọc Anh chuyên trị nhạc Phú Quang, phần bài hát này không “ngọt” lắm so với số bài khác. NSUT Doãn Tần nghe lại hơi “sáo” bởi ngắt hai chữ một ông lặp ở khá nhiều ca khúc khác.

Nhưng bài này vốn dĩ ca sĩ NAM hát thì hợp hơn. Và khi tôi hát bởi nỗi nhớ con ( lần đầu đi học xa ), và thương xót với những lo toan của vợ nhà … ( nhẫm bài trên đường chạy xe) tôi lại có lời ca cho đoạn kết bài hát, của riêng mình :

"Mưa vẫn giăng đầy trên triền sông chiều đông giá buốt/ Em vẫn âm thầm đi về đâu để ta thương lắm/ “Áo” rách còn ngăn được gió, dài đêm “trăn trở”, “áo” nào được khô/ Thương lắm tóc dài ơi, cánh chim chiều đã mỏi/ Ba hát con nghe khúc hát ruột mềm”.

---- Chú thích của bài/người viết ----

- Link đã nói trên :
- Tôi chúa ghét bị hát sai nhạc, sai lời. Trước đây, ca sĩ Ngọc Tân thường nhầm lời của tôi. Bài Hà Nội ngày trở về có câu: "Vội vã trở về, vội vã ra đi/ Chẳng thể nào qua hết từng con phố". Ông ấy hát thành: "Vội vã trở về, vội vã ra đi/ Chẳng thể nào qua hết một con phố". Bài Thương lắm tóc dài ơi có câu: "Thương lắm, thương lắm tóc dài ơi/ Một mình lênh đênh dòng đời đục trong". Ngọc Tân hát: "Thương lắm, thương lắm tóc dài ơi /Một đời lênh đênh, một đời đục trong". Tôi nói thẳng: "Tôi ca ngợi người phụ nữ bất hạnh. Ông hát thế khác nào ca ngợi cô gái làng chơi hoàn lương. Tôi đề nghị ông học đúng lời, nếu không thì đừng hát nữa". Ca từ của tôi vốn cầu kỳ, vì thế, album nào của tôi cũng kèm sách in lời bài hát.

0 Comments:

Post a Comment

<< Home